Đừng để 'cái sảy nảy cái ung'

Một ca nội soi đại tràng gây mê và cắt polyp trong đợt đầu tiên chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp. Ảnh: YÊN LAN

Một ca nội soi đại tràng gây mê và cắt polyp trong đợt đầu tiên chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp. Ảnh: YÊN LAN

Là một trong những bệnh thường gặp ở đại trực tràng, tiến triển âm thầm nhưng nguy hiểm bởi có thể phát triển thành ung thư, polyp đại trực tràng cần được phát hiện và can thiệp sớm để phòng ngừa ung thư đại trực tràng.

Theo y văn, đại tràng (ruột già) là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa. Đây là nơi nhận thức ăn đã được tiêu hóa, hấp thu nước, muối khoáng từ thức ăn và với sự phân hủy của các vi khuẩn tạo khối bã thức ăn (phân) tích lại ở trực tràng - bộ phận nối giữa đại tràng và ống hậu môn. Khi có đủ lượng phân nhất định ở trực tràng sẽ tạo áp lực lên thành trực tràng, gây phản xạ đại tiện đẩy khối phân đi qua ống hậu môn ra ngoài cơ thể.

Polyp đại trực tràng là những khối mô phát sinh từ thành ruột và nhô vào trong lòng ruột, rất phổ biến ở cả nam và nữ. Chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ, thói quen hút thuốc lá, tình trạng béo phì... là những nguyên nhân trong việc hình thành polyp.

Polyp thường phát triển âm thầm, hầu hết không có triệu chứng. Dấu hiệu thường gặp nhất là chảy máu âm thầm. Khi có tổn thương lớn, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng.

Trong đại trực tràng, thường gặp nhất là polyp tuyến và polyp tăng sản. 2/3 polyp đại tràng là polyp tuyến. Theo thời gian, các polyp này có thể thay đổi cấu trúc và trở thành khối u. Kích thước của polyp tuyến càng lớn thì nguy cơ phát triển thành ung thư càng cao. Còn polyp tăng sản thường nhỏ, nằm ở phần cuối của đại tràng, không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể phân biệt polyp tăng sản với polyp tuyến qua nội soi, nên các bác sĩ thường phải dựa vào kết quả mô bệnh học sau khi cắt bỏ chúng.

Hầu hết ung thư đại trực tràng phát sinh từ polyp tuyến lành tính trước đó. Tại Việt Nam, theo thống kê, có hơn 16.800 ca mắc ung thư đại trực tràng được ghi nhận trong năm 2022, đứng thứ tư trong những bệnh ung thư phổ biến và đứng thứ năm về tỉ lệ tử vong do ung thư (sau ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú, ung thư dạ dày).

Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, vấn đề mấu chốt là phát hiện sớm các polyp tiền ung thư và loại bỏ chúng.

Nội soi là phương pháp tầm soát chính xác nhất. Hiện nay, phương pháp nội soi tiêu hóa gây mê đang được sử dụng để khám, chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa dưới (đại tràng, trực tràng) và bệnh đường tiêu hóa trên (dạ dày, thực quản, tá tràng). Nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ cắt bỏ ngay trong lúc nội soi.

Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các chuyên gia đến từ Bệnh viện Trung ương Huế vừa chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp theo Đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (Đề án 1816).

Trong đợt đầu tiên chuyển giao kỹ thuật này, các chuyên gia, bác sĩ hai bệnh viện thực hiện 20 ca nội tiêu hóa gây mê, trong đó có một số ca can thiệp cắt polyp.

ThS.BS Trần Hiếu, Phụ trách Khoa Nội soi (cơ sở 2) Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: Với phương pháp nội soi tiêu hóa gây mê, người bệnh không phải trải qua cảm giác khó chịu, đau đớn, buồn nôn, nôn, nhu động ruột bị kích thích... như phương pháp nội soi thông thường.

Bệnh nhân nằm yên trong khi bác sĩ súc rửa đường tiêu hóa, quan sát được tổn thương ở những vị trí mà nếu không gây mê thì sẽ rất khó quan sát vì bệnh nhân nôn, đại tràng co thắt, và thực hiện được những kỹ thuật khó.

Theo ThS.BS Trần Hiếu, phần lớn các trường hợp ung thư đại trực tràng là từ polyp không được phát hiện và can thiệp sớm. Những người từ 40 tuổi trở lên nên đi tầm soát bằng phương pháp nội soi. Bên cạnh đó, những người bị rối loạn đường tiêu hóa, đại tiện phân lỏng, đi nhiều lần trong ngày hoặc có triệu chứng đau quặn, đau thắt; người bị polyp hoặc đã mắc ung thư đại trực tràng... cần đi tầm soát để phát hiện, can thiệp kịp thời.

Phần lớn các trường hợp ung thư đại trực tràng là từ polyp không được phát hiện và can thiệp sớm. Những người từ 40 tuổi trở lên nên đi tầm soát bằng phương pháp nội soi. Bên cạnh đó, những người bị rối loạn đường tiêu hóa, đại tiện phân lỏng, đi nhiều lần trong ngày hoặc có triệu chứng đau quặn, đau thắt; người bị polyp hoặc đã mắc ung thư đại trực tràng... cần đi tầm soát để phát hiện, can thiệp kịp thời.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316785/dung-de--cai-say-nay-cai-ung.html