Dùng chung sóng di động?

Tháng 9-2022, bão Noru đổ bộ vào Quảng Nam gây thiệt hại lớn đến hệ thống viễn thông, mạng điện thoại di động của nhiều nhà cung cấp bị đứt, gián đoạn... Trước tình hình đó, nhà mạng Viettel đã kịp thời triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí, giúp chính quyền, người dân bảo đảm thông tin liên lạc. Nghĩa là bất cứ thuê bao di động nếu sóng 'nhà mình' bị mất mà 'bắt' được sóng Viettel thì vẫn liên lạc bình thường.

Đó là khi có sự cố thiên tai, bão lũ. Còn bình thường hiện nay ở vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới, hải đảo cũng tương tự: Tại một vị trí nào đó có thể sóng điện thoại di động nhà mạng A nhưng lại không có sóng các nhà mạng khác (B, C, D...). Và ngược lại, tại các vị trí khác có sóng của nhà mạng B, C, D nhưng lại không có sóng nhà mạng A.

Những thuê bao điện thoại di động của nhà mạng tại nơi không có sóng thì... đành chịu. Nếu có việc liên thông, liên kết sóng điện thoại như câu chuyện ở Quảng Nam thì thật tốt! Trước hết, khách hàng được hưởng lợi, liên lạc cá nhân không bị gián đoạn, đứt gãy vì có thể roaming sang mạng khác. Nhà nước cũng được hưởng lợi vì hệ thống thông tin liên lạc quốc gia có sự liên kết tạo nên tính vững chắc và được mở rộng tối đa. Các nhà mạng cũng được hưởng lợi vì qua liên kết, liên thông giúp tăng doanh thu và lợi nhuận.

Việc liên kết, liên thông sóng di động thực chất là dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các nhà mạng. Ảnh minh họa: daklak.gov.vn

Lợi ích rõ ràng như vậy, tại sao không làm?

Phải chăng vì những nguyên nhân sau đây: Vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo địa hình hiểm trở, khó khăn, gây cản trở cho việc lắp đặt và bảo trì các trạm phát sóng của các nhà mạng. Chi phí đầu tư và vận hành cao, trong khi doanh thu thu hồi thấp do mật độ dân số thưa thớt và nhu cầu sử dụng điện thoại di động không cao. Đặc biệt, sự cạnh tranh giữa các nhà mạng di động khiến cho họ không muốn liên kết, liên thông sử dụng sóng của nhau để giữ khách hàng và thị phần?

Việc liên kết, liên thông sóng điện thoại di động không chỉ ở địa bàn miền núi hiểm trở, hải đảo xa xôi mà xét trên toàn bộ lãnh thổ, thực chất là dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các nhà mạng. Mục đích của việc dùng chung cơ sở hạ tầng là để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả, tránh lãng phí và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc phát triển cơ sở hạ tầng dùng chung là xu hướng và có thể thúc đẩy sự hợp tác và liên kết giữa các bên liên quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở hạ tầng dùng chung cũng gặp phải một số thách thức như: Thiếu chính sách và quy định pháp lý rõ ràng, thiếu sự thống nhất và phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, thiếu nguồn lực tài chính, nhân lực chuyên môn, thiếu sự tham gia và cam kết của các bên liên quan, thiếu sự minh bạch và công khai trong quá trình xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng dùng chung.

Do đó, để phát triển cơ sở hạ tầng dùng chung một cách hiệu quả và bền vững, cần có sự đồng thuận và hợp tác giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Cần có những chiến lược, kế hoạch rõ ràng, có tính khả thi và linh hoạt; cần có những biện pháp khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động đầu tư, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng dùng chung; cần có giải pháp để giải quyết các tranh chấp và xung đột có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Và cuối cùng, cần có những công cụ để theo dõi, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến cơ sở hạ tầng dùng chung.

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dung-chung-song-di-dong-748637