Đức tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam
Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực kinh tế truyền thống, các nhà đầu tư Đức hiện nay đang có xu hướng mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực tiềm năng mới cũng như nắm bắt các cơ hội phát triển phù hợp với định hướng chiến lược và nhu cầu chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam....

Ảnh minh họa.
Tháng 9/2025, Việt Nam và Đức sẽ chính thức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/09/1975 - 23/09/2025). Đây được xem là một dấu mốc quan trọng ghi nhận chặng đường phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương và mở ra kỳ vọng về những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Đức vào Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, bất chấp những biến động phức tạp đang diễn ra trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Điều này càng có cơ sở khi Việt Nam không những là trung tâm sản xuất năng động mà còn là điểm đến chiến lược cho các doanh nghiệp Đức trong tiến trình tái định vị hoạt động của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2025, các nhà đầu tư Đức đã đầu tư vào 9 dự án mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 23,83 triệu USD, tăng mạnh ở mức 280,6% so với cùng kỳ năm 2024. Sự tăng trưởng vượt bậc này là một tín hiệu rất tích cực mở đầu cho năm 2025 của dòng vốn đầu tư từ Đức, cho thấy niềm tin ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư của quốc gia này đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
ĐẦU TƯ “BỨT PHÁ” NGAY TỪ ĐẦU NĂM
Các doanh nghiệp Đức trong 4 tháng đầu năm 2025 đã không ngừng mở rộng hiện diện và tăng cường hoạt động tại thị trường Việt Nam. Nổi bật trong số đó là Tập đoàn Südwolle, một tên tuổi lớn trong ngành dệt may của Đức, đã chính thức đưa vào vận hành nhà máy dệt nhuộm với tổng số vốn đầu tư 21 triệu USD tại tỉnh Ninh Thuận đầu tháng 4/2025. Sự kiện đáng chú ý này không chỉ thể hiện cam kết lâu dài của Südwolle trong ngành dệt may tại Việt Nam, mà còn góp phần làm sôi động thêm bức tranh đầu tư chung của Đức trong những tháng sắp tới của năm 2025.
Tính lũy kế đến cuối tháng 4/2025, Đức hiện đang đầu tư vào 490 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 2,83 tỷ USD trên các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Các dự án của các nhà đầu tư Đức phân bổ trên nhiều lĩnh vực trọng điểm như sản xuất, công nghệ cao, logistics và năng lượng tái tạo.
Với kết quả đầu tư tích cực này, Đức hiện đang xếp thứ 17 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, đồng thời đứng thứ 3 trong nhóm các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Hà Lan (15,02 tỷ USD) và Pháp (3,95 tỷ USD).
Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2025, các nhà đầu tư Đức đã đầu tư vào 9 dự án mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 23,83 triệu USD, tăng mạnh ở mức 280,6% so với cùng kỳ năm 2024
Trong số hơn 530 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, nhiều tập đoàn hàng đầu như Siemens, Bosch, Thyssenkrupp, Mercedes-Benz… đã và đang khẳng định dấu ấn mạnh mẽ với sự hiện diện ngày càng sâu rộng của mình. Không chỉ mang theo những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm toàn cầu, những “ông lớn” này còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và hiện đại hóa sản xuất trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư từ Đức vào Việt Nam không chỉ dừng lại ở những ngành truyền thống, mà còn ngày càng mở rộng sang các lĩnh vực mới như năng lượng xanh và sản xuất thân thiện với môi trường.
Minh chứng tiêu biểu cho xu hướng chuyển dịch tích cực này là việc Tập đoàn PNE, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Đức trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã chính thức thành lập văn phòng đại diện tại tỉnh Bình Định vào cuối năm 2024. Tập đoàn này hiện đang tích cực hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 4,6 tỷ USD tại Bình Định.
Không chỉ là bước tiến lớn về quy mô đầu tư, dự án này còn thể hiện sự kết nối hài hòa giữa năng lực công nghệ vượt trội của Đức và nhu cầu chuyển dịch năng lượng xanh mà Việt Nam đang theo đuổi. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho cam kết đồng hành lâu dài giữa hai quốc gia trong hành trình hướng tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong thời gian tới....
HƯỚNG TỚI HỢP TÁC TRÊN NHỮNG LĨNH VỰC TIỀM NĂNG MỚI
Nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Đức, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược này là việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp Đức khi đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, theo Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth, Đức và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái định hình và xu hướng chuyển dịch đầu tư ngày càng rõ nét.
Đức từ lâu đã được biết đến là quốc gia dẫn đầu về công nghệ tiên tiến, kỹ thuật chính xác và năng lực sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Trong khi đó, Việt Nam nổi lên như một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với lợi thế là lực lượng lao động trẻ, dồi dào, năng động cùng tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, một trong những yếu tố đang tạo ra nhu cầu tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ....
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2025, phát hành ngày 19/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1384

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/duc-tiep-tuc-mo-rong-hoat-dong-dau-tu-tai-viet-nam.htm