Đức kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo
Phóng viên TTXVN tại Berlin đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Nancy Faeser đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu (EC) thông báo việc Berlin sẽ tiếp tục gia hạn lệnh kiểm soát biên giới với Áo thêm 6 tháng trong bối cảnh dòng người tị nạn tới Đức vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Trong thư gửi EC, Bộ trưởng Faeser nêu rõ Đức tiếp tục là điểm đến chính của người tị nạn ở châu Âu và trong năm ngoái đã ghi nhận số lượng người di cư có mặt tại biên giới bên ngoài EU cao bất thường kể từ năm 2016. Ngoài ra, cũng không có dấu hiệu dòng người di cư bất hợp pháp đổ tới Trung và Tây Âu suy giảm trong tương lai gần. Bức thư còn nói rõ việc tiếp nhận quá nhiều người di cư đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền các bang và thành phố ở Đức nên nước này cần tiếp tục gia hạn lệnh kiểm soát biên giới với Áo, tuyến đường chính của người di cư bất hợp pháp tới Đức, thêm 6 tháng, tính từ ngày 12/5 tới.
Cả Đức và Áo đều là thành viên của Khu vực đi lại tự do Schengen, hiện gồm 26 nước. Tuy nhiên từ năm 2015, Đức đã phải áp đặt lệnh kiểm soát biên giới với Áo để hạn chế dòng người di cư và tị nạn ồ ạt từ Hy Lạp đến Tây Âu qua tuyến đường Balkan. Ngoài ra, một số nước khác trong khu vực Schengen cũng phải đưa ra một số quy định ngoại lệ để ngăn chặn dòng người di cư ngày càng đổ nhiều về châu Âu.
Bộ trưởng Faeser khẳng định Đức ủng hộ mọi nỗ lực của châu Âu nhằm bảo vệ tự do đi lại trong khu vực Schengen nhưng các quốc gia thành viên cũng cần có các công cụ phù hợp để kiểm soát và quản lý tốt hơn đường biên giới bao quanh châu Âu. Theo nữ Bộ trưởng Đức, chừng nào những điều này chưa được thực hiện thì khu vực Schengen vẫn còn nguy cơ và khó xóa bỏ được các đường biên giới nội bộ tạm thời.
Trong khi đó, cùng ngày 14/4, Bộ Tư pháp Đan Mạch thông báo kế hoạch nới lỏng kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới với Đức kể từ ngày 12/5 - 11/11. Cảnh sát Đan Mạch sẽ giảm bớt kiểm tra đối với những người đi làm hàng ngày qua cửa khẩu 2 nước để tập trung nhiều hơn vào việc chống tội phạm xuyên biên giới. Trong khi đó, Đan Mạch sẽ loại bỏ hoàn toàn việc kiểm soát biên giới với một quốc gia láng giềng khác là Thụy Điển.