Đua nhau làm bản đặc biệt, đâu là sách thực sự quý, hiếm?

Sách đặc biệt giống hệt bản phổ thông, chỉ khác có bìa cứng; những cuộc sang tay, đẩy giá sách đặc biệt diễn ra trong chớp mắt...

Hơn mười năm trước, câu chuyện đọc và thói quen đọc sách được bàn đến với ý tưởng thay tủ rượu bằng tủ sách, một cách khác để thể hiện bản thân qua đời sống sách vở sang trọng và có văn hóa hơn.

Đến nay, chúng ta dần quen với khái niệm “văn hóa đọc”. Người ta tổ chức những buổi tọa đàm cùng ý kiến, tham luận bàn về chủ đề “Người Việt có mê đọc sách?”, “Tết đọc sách, tại sao không?”…

Dần dà, sách trở thành món quà người ta trân quý tặng nhau, thay vì lì xì tiền Tết thì tặng, lì xì bằng sách, giỏ sách thay cho giỏ rượu.

Ngành xuất bản so với mười năm trước đã đạt được những bước tiến lớn, số đầu sách tăng lên, số lượng bản in trên từng đầu sách được cải thiện, đa dạng đề tài, thể loại, giấy in đẹp và hình thức cũng được chăm chút chú trọng hơn.

Tuy vậy, vẫn có một bộ phận độc giả lấy sách đặc biệt làm phương tiện thể hiện mình, biến kệ sách thành vật tô màu tri thức.

Người xưa chọn sách kỹ để làm bản đặc biệt

Từ trước năm 1945, ngành sách ở ta đã có khái niệm về “bản đặc biệt” để phân biệt với “bản thường”, tức “bản phổ thông”.

Khi in sách, ngoài bản phổ thông, người làm sách sẽ chủ động in thêm một số (thường là dưới 100) bản đặc biệt với chất liệu giấy dày hơn, tốt hơn, đẹp hơn, quý hơn. Ngoài ra, còn có thủ bút/chữ ký của tác giả, tranh minh họa (hay còn gọi là phụ bản), triện son của tác giả hoặc của cơ sở xuất bản… mà các bản phổ thông không có.

Vài chi tiết cần lưu ý khi nhìn lại cách người xưa làm sách: Triện son được khắc công phu và dùng mực chu sa để đóng trên những trang sách gợi lên sự trang trọng; không ít tranh minh họa do các họa sĩ tài danh thời ấy thực hiện.

Người làm sách rất kỹ lưỡng trong việc chọn lựa ấn phẩm, tức ngoài hình thức như đã nêu thì ý tưởng làm bản đặc biệt thường căn cứ trên những cuốn sách có nội dung tốt, có thể kể đến: Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Lều chõng (Ngô Tất Tố), Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi), Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Nho giáo (Trần Trọng Kim), Thi tuyển (Vũ Hoàng Chương)…

Có thể nói, bản đặc biệt trước hết phải có nội dung hay, tức nội dung là cái có trước, hình thức là cái có sau.

Ý tưởng về bản đặc biệt của người xưa được định hình ngay từ ban đầu, vì vậy mà những dòng chữ ghi rõ quy cách thực hiện một cuốn sách được thể hiện rất chi tiết ngay ở trang 2 hoặc trang xi-nhê cuối sách đó.

Người làm sách sẽ ghi rõ số bản in phổ thông, số bản in đặc biệt, bản đặc biệt dùng giấy gì, đánh số thứ tự như thế nào, có phụ bản, có thủ bút, và có bán hay không…

Sách có bìa thêu tay của Thái Hà Books. Ảnh: Thái Hà.

Đa dạng sách đặc biệt

Từ sau 1975 đến cuối những năm 1990, phong trào làm bản đặc biệt gần như đứt quãng, một thú chơi văn hóa dần dà bị lãng quên. Nhìn lại một thời kỳ, khoảng nửa đầu những năm 2000, chúng ta thấy một số sách bìa cứng được các Công ty sách Phương Nam, NXB Trẻ, NXB Giáo dục và sau đó là NXB Tri thức thực hiện.

Một số ấn phẩm của mấy cơ sở xuất bản này được in hai phiên bản, bìa mềm và bìa cứng, nhưng không đánh số. Sách bìa cứng giai đoạn này được làm theo phong cách Anh - Mỹ: Bìa cứng bọc vải hoặc giấy mỹ thuật có ép kim tên sách trên gáy và một ít nội dung trên bìa 1 theo lối tinh giản, áo jacket bọc ngoài.

Tuy nhiên, ruột sách của hai phiên bản bìa mềm và bìa cứng đều giống nhau về loại giấy cũng như định lượng.

Một đơn vị làm sách chịu khó và kiên trì làm “bản bìa cứng giới hạn” xuyên suốt trong 15 năm qua phải nói đến là công ty sách Nhã Nam, nhiều ấn phẩm do đơn vị này làm đến nay vẫn bền, đẹp và là của hiếm của giới sưu tầm.

Bản bìa cứng giới hạn do Nhã Nam thực hiện đều nói rõ về quy cách thực hiện ở trang bản quyền (trang 2): Số lượng bản bìa cứng trong lần in này, đánh số từ bao nhiêu đến bao nhiêu, có đóng triện son hay không, chất liệu giấy khác với bản phổ thông như thế nào, bản đánh số nào bán (thường là 100) hoặc tặng.

Nhìn chung, đây là cách làm tương đối chuẩn mực nếu nói về khái niệm “bản bìa cứng giới hạn”. Công ty sách Đông A cũng làm “bản bìa cứng giới hạn” từ rất sớm nhưng số đầu sách không nhiều, họ vẫn duy trì thói quen làm sách kiểu này, dù không liên tục, cho đến hiện nay.

Một khoảng thời gian khá dài, việc xuất bản sách bản bìa cứng giới hạn ít được chú trọng, một phần vì độc giả ít quan tâm.

Cho đến đầu năm 2016, với việc nhạy bén về thị trường và nhìn thấy tín hiệu tốt từ phân khúc này, công ty sách Dân Trí (DTBooks) và công ty sách Tao Đàn chú trọng và đẩy mạnh việc xuất bản cùng lúc sách bìa mềm và “bản bìa cứng giới hạn” có đánh số, phong trào làm sách đẹp vì thế được chú trọng hơn và dần dà nhận được sự quan tâm của giới sưu tầm cũng như độc giả phổ thông hiếu kỳ.

Ngoài các đơn vị vừa kể trên, cho đến nay danh sách những cơ sở xuất bản đã tham gia làm sách “bản bìa cứng giới hạn” ngày càng dài thêm: NXB Tổng Hợp, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Văn hóa - Văn nghệ, Thái Hà Books, Omega Plus Books, NXB Phụ nữ, Sao Bắc…

Các cơ sở này đang nhắm đến một đối tượng độc giả thích sưu tầm có tiềm năng, chịu chi, số lượng ngày càng gia tăng và độ tuổi cũng trẻ hơn trước.

Ký tặng trên bản đặc biệt cuốn Thiên hoàng Minh Trị. Ảnh: Đông A Gallery.

Những biến tướng phát sinh

Đa phần cách làm sách của các cơ sở xuất bản hiện tại là in ruột giấy giống nhau cho cả hai phiên bản, chỉ cần in thêm bìa cứng có áo jacket và đánh số sẽ mặc nhiên trở thành “bản giới hạn”.

Số lượng bản giới hạn cũng nhiều hơn, đánh số từ 1-100, 1-200, thậm chí 1-500; cái gì ít mới quý, nhiều quá thì còn gì là đặc biệt, hiếm nữa.

Một số cơ sở xuất bản hiện còn dùng triện cao su không chuẩn mực; không thưa rõ về quy cách xuất bản ngay từ đầu; không hiểu về thông lệ xuất bản một ấn bản giới hạn phải thực hiện như thế nào, cho nên mới có những trường hợp sách in xong rồi đem đi kéo lụa (kéo lưới) để bổ sung thông tin.

Hoặc có trường hợp lôi được trong kho ra một số sách tồn đưa đi đóng bìa da hô biến thành bản đặc biệt; tái bản lại những cuốn sách cũ xì bao năm qua đã khai thác chán chê, những cuốn sách mới chỉ có giá trị nội dung trung bình rồi gán cho nó mấy chữ “bản đặc biệt” bằng công nghệ in ấn…

Cái gì ít mới quý, nhiều quá thì còn gì là đặc biệt, hiếm nữa.

Ngay đến luật lệ những ai được ký tên trên sách, người đóng sách ký ở đâu trên bìa, chúng ta cũng phải tìm hiểu cách làm sách của người phương Tây để hiểu lại cho đúng.

Mọi thể loại, hay hay dở, mới hoặc cũ, biên khảo công phu hay tập hợp bài viết rời rạc in thành sách đều chạy theo phong trào bìa cứng giới hạn. Có lẽ hiện nay, chỉ có sách kỷ yếu hội thảo là người ta chưa có ý định làm ấn bản đặc biệt hay bìa cứng giới hạn mà thôi!

Nhìn chung, trên thị trường hiện tại, về hình thức, đa phần là sách bìa cứng giới hạn, rất ít bản đặc biệt. Xa hơn, về nội dung, bao nhiêu ấn bản trong số ấy có chất lượng tốt, khai thác mới và mang tính khai phá, con số là rất ít.

Cũng may vẫn còn vài nét tích cực về tư duy làm sách đẹp tiệm cận chuẩn thấp nhất của ngành đóng sách châu Âu, tức chú trọng hình thức của một cuốn sách cho xứng với cái danh xưng “bản đặc biệt” bằng ý tưởng khâu tay sách thủ công, đóng bìa da thật mà không phải dùng simili, mạ bụng bằng vàng thật...

Công ty sách Đông A, với tham vọng và hướng đi riêng từ lâu nay, đang vượt lên trước khi liên tục thử nghiệm, rút kinh nghiệm, cải tiến và dần hoàn thiện những ấn phẩm của họ. Hướng đi tiên phong của Đông A đang kéo ngành sách đi lên theo hướng tích cực riêng về việc đầu tư công sức cho khâu sản xuất, in ấn. Chúng ta có thể thấy sự khá lên của vài ấn phẩm gần đây của Nhã Nam (Nghệ thuật Huế), Thái Hà (Nghệ thuật Huế, Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX)...

Điều chúng ta mong chờ là ngày càng có nhiều cuốn sách đặc biệt cả về nội dung lẫn hình thức: nội dung hay, họa sĩ vẽ bìa, có tranh minh họa, giấy in đa dạng và đẹp…

Và chúng ta cũng nhìn thấy những thứ tiêu cực phát sinh từ phân khúc này, những biến tướng phát sinh trong giới sưu tầm, cụ thể là một phần trong nhóm độc giả tranh mua cho bằng được những ấn bản giới hạn. Chúng ta thấy những cuộc sang tay, đẩy giá trong chớp mắt và nhiều vấn nạn khác.

Sách vở suy cho cùng là tri thức ẩn trong chữ nghĩa, được làm ra để đem đến sự hiểu biết, để vá và nâng phông văn hóa của mỗi người, để hướng con người đến chân - thiện - mỹ và… để đọc.

Thư Hương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dua-nhau-lam-ban-dac-biet-dau-la-sach-thuc-su-quy-hiem-post1112234.html