Đưa khoa học, kỹ thuật đến với nông dân

Với vai trò cầu nối trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật tới nông dân, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn trồng hoa cúc đại đóa đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Chinh ở tổ dân phố An Thành, thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) tâm sự: "Từ khi nhận được sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi và các hộ trồng hoa cúc ở đây tự tin hơn, bởi sau 1 năm đưa giống mới vào trồng với kỹ thuật tốt hơn đã đem lại những bông hoa chất lượng cao, bán với giá cao hơn".

Anh Nguyễn Văn Chinh cho biết ban đầu chỉ có 11 hộ tham gia mô hình trồng hoa cúc với diện tích khoảng 5.000 m2 đất ruộng. Tuy nhiên sau 1 năm thực hiện, với hiệu quả mang lại, mô hình đã được nhân rộng lên 1,5 ha. Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, 1,5 ha trồng hoa cúc cho thu 550.000 bông hoa, giá trị mang lại hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu được là 683 triệu đồng/năm. Cùng với trồng hoa cúc đại đóa, các hộ còn trồng thêm hoa đồng tiền và một số loại khác.

 Cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng giúp người dân hoàn thiện giàn cột bê tông và lưới kẽm.

Cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng giúp người dân hoàn thiện giàn cột bê tông và lưới kẽm.

Tại xã Thái Niên, những ngày này cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang hướng dẫn người dân đẩy nhanh tiến độ làm giàn bê tông và lưới kẽm để sẵn sàng triển khai dự án chuyển giao kỹ thuật trồng dưa leo chất lượng cao trong vùng rau an toàn của xã. Các giàn cột bê tông và lưới kẽm được hỗ trợ theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, với kinh phí đầu tư 150 triệu đồng/ha, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí.

Anh Trần Văn Duy, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phụ trách xã Thái Niên cho biết, những năm gần đây, rau an toàn của xã đã có thương hiệu. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, người dân đã có kinh nghiệm trong sản xuất. Cán bộ khuyến nông “cầm tay chỉ việc” và hướng dẫn từng quy trình trồng, chăm sóc rau, màu.

Ngoài 2 mô hình trên, trong 3 năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng đã triển khai thành công 6 mô hình chuyển giao khoa học, kỹ thuật mang lại hiệu quả, trong đó có mô hình liên kết trồng bí xanh, bí đỏ hồ lô, quy mô 24 ha/78 hộ, tại 2 xã Gia Phú và Phong Niên; tổng sản lượng đã thu hoạch đạt 530 tấn quả, giá trị mang lại hơn 2 tỷ đồng, người dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha/vụ. Hoặc mô hình chăn nuôi cá chép giòn thương phẩm với quy mô 1,5 ha/3 hộ tại thị trấn Nông trường Phong Hải và xã Phú Nhuận. Trọng lượng cá khi thu hoạch (cá giòn) bình quân 3,2 - 3,5 kg/con, sản lượng khoảng 35 tấn, với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg đã mang lại giá trị hơn 3 tỷ đồng, người dân thu lãi 756 triệu đồng…

 Hướng dẫn người dân thu hoạch sản phẩm của dự án trồng rau.

Hướng dẫn người dân thu hoạch sản phẩm của dự án trồng rau.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng cho biết: Từ nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được trung tâm triển khai thông qua nhiều hình thức như đào tạo, tập huấn, xây dựng dự án; chuyển giao công nghệ, khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khảo nghiệm và xây dựng các mô hình sản xuất thực tế... góp phần nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Thông qua hoạt động này, các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, các mô hình sản xuất điển hình được chuyển tải, giới thiệu đến người dân kịp thời.

 Người dân thị trấn Phố Lu đã chủ động giống cây trồng sau khi được hỗ trợ về kỹ thuật.

Người dân thị trấn Phố Lu đã chủ động giống cây trồng sau khi được hỗ trợ về kỹ thuật.

Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng tiếp tục phát huy vai trò trong chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc xây dựng các mô hình có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp của từng vùng, từng địa phương. Từ đó góp phần nhân rộng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, đồng thời tạo ra các liên kết sản xuất - tiêu thụ, đảm bảo ổn định cho phát triển của vùng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dua-khoa-hoc-ky-thuat-den-voi-nong-dan-post373490.html