Dự báo VND không giảm giá thêm trong quý II và quý III, lãi tiền gửi có thể nhích nhẹ về cuối năm

VCBS mới đây dự báo mặt bằng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VND, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn 50-100 điểm cơ bản khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến.

Từ đầu năm đến nay, VND mất giá khoảng 5% so với USD

Ngày 1/5 vừa qua, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25-5,5%, mức cao nhất trong hơn 20 năm.

Trước đó, thị trường dự báo động thái cắt giảm lãi suất của FED có thể bắt đầu xuất hiện vào tháng 3. Nhưng Fed đã báo hiệu trì hoãn việc hạ nhiệt nền lãi suất khi các dữ liệu gần đây không như kỳ vọng (chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 2,7% trong tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức cao và cách xa mục tiêu dài hạn). Ngân hàng trung ương dù vậy cũng để mở kịch bản 1-2 lần cắt giảm lãi suất vào khoảng cuối quý III năm nay khi dữ liệu việc làm tháng 4 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đang cao hơn dự báo.

Việc trước mắt Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức nền cao đã tạo nền tảng cho sức mạnh đồng USD duy trì ở ngưỡng cao. Đồng nghĩa áp lực tỷ giá với tiền đồng (VND) cũng như nhiều loại tiền tệ khác vẫn sẽ tiếp tục hiện hữu.

Diễn biến chỉ số DXY từ đầu năm đến nay. Ảnh: MarketWatch

Thực tế trong nước, áp lực tỷ giá vẫn luôn thường trực khi DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh) liên tục duy trì ở mức cao, mà nguyên nhân chính theo các chuyên gia từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS) là do mặt bằng thấp của lãi suất trong nước. Theo đó, tiếp nối xu hướng giảm trong quý đầu năm; sang đến tháng 4, lãi suất huy động đã nhích tăng khoảng 20-40 điểm và chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp, và thậm chí thấp hơn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Chênh lệch lãi suất còn được quan sát trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm của USD luôn cao hơn VND.

Lãi suất huy động liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Ảnh: VCBS

Một yếu tố khác mà nhóm phân tích VCBS cho rằng cũng góp phần làm tăng sức ép lên tỷ giá USD/VND là giá vàng trong nước thời gian qua ghi nhận áp lực tăng mạnh. Theo đó, giá vàng tính đến cuối tháng 4 đã tăng khoảng 10% so cuối năm 2023, mà theo VCBS là do tâm lý đầu cơ tích trữ, đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp và lo ngại bất ổn địa chính trị. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới doãng rộng: trong năm 2022, mức chênh lệch chỉ ghi nhận 5 – 10 triệu VND/lượng; hiện nay chênh lệch đã lên tới 10 – 13 triệu VND/lượng.

Giá vàng trong nước tăng cao là một yếu tố góp phần tăng sức ép lên tỷ giá. Ảnh: VCBS

Bên cạnh đó, VCBS cũng chỉ ra rằng mặc dù dự trữ ngoại hối Việt Nam được xây đắp theo thời gian; nhưng tính đến cuối 2023, dự trữ ngoại hối ước tính đạt khoảng 3,3 tháng nhập khẩu; như vậy, cao hơn không nhiều so với mức 3 tháng nhập khẩu do IMF đề xuất.

Nhìn chung, trong bối cảnh Fed giữ lãi suất ở mức cao và đồng USD lên giá, duy trì sức mạnh tương đối so với các đồng tiền khác, VND cũng không phải là ngoại lệ. Trong nước, mặt bằng lãi suất thấp là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi sức mạnh USD vẫn ở ngưỡng cao. Ngoài ra, xu hướng tăng giá của các kênh tài sản khác phần nào tác động tới tỷ giá trong giai đoạn qua. Từ đầu năm tới nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD.

Diễn biến tỷ giá USD/VND. Ảnh: VCBS

Trước tình hình đó, từ ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành bán gọi thầu tín phiếu theo hình thức đấu thầu khối lượng; từ đó dần dần định hướng và đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức cao hơn. Theo đó, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất tiền USD và tiền VND trên thị trường liên ngân hàng. Cùng đó, NHNN đã nỗ lực đưa ra các công cụ can thiệp đa dạng hơn bao gồm: bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ; tổ chức các phiên đấu thầu vàng ra thị trường, trong bối cảnh giá vàng trong nước chịu áp lực tăng cao…

Mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích nhẹ vào cuối năm

Mặc dù lưu ý rằng ở thời điểm này, mức giảm giá của VND so với nhiều quốc gia khác đang ở mức trung bình nhưng các chuyên gia VCBS cũng nhấn mạnh rằng mức giảm giá gần 5% đã đến ngưỡng buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh hơn, và sẽ ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất nhằm đảm bảo các yếu tố ổn định vĩ mô; để qua đó, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút dòng vốn đầu tư.

Ảnh: VCBS

Cụ thể, VCBS cho rằng với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, trong dài hạn, mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư quốc tế nhằm sử dụng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do đó nhóm phân tích cho rằng NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo từng bước và linh hoạt, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút dòng vốn đầu tư, Việt Nam là điểm đến dựa trên các tiêu chí tiềm năng tăng trưởng của kinh tế, và mức rủi ro quốc gia.

Bên cạnh đó việc đảm bảo ổn định tỷ giá cũng là yếu tố quan trọng tạo niềm tin thu hút dòng vốn; đồng thời, đảm bảo khả năng trả nợ nước ngoài. Cuối năm 2023, vay nợ nước ngoài của Việt Nam (gồm vay nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp) ước tính đạt khoảng hơn 145 tỷ USD, tương ứng 37-38% GDP. Áp lực tăng lên tỷ giá có thể ảnh hưởng đến giá trị và khả năng vay, trả nợ của quốc gia.

Trong bối cảnh như vậy, NHNN được dự báo sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất với ưu tiên sử dụng là công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở. Động thái đầu tiên đã được ghi nhận vào ngày 23/4 đánh dấu thời điểm lãi suất OMO tăng từ 4% lên 4,25%.

Theo sau đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VND, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn 50-100 điểm cơ bản khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến (tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/4/2024 đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%) và khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động.

“Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ tiếp tục các bước điều chỉnh linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường. Công cụ lãi suất sẽ được sử dụng nhằm ổn định tỷ giá”, VCBS nhấn mạnh.

Cuối năm nay, VND có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD

Áp lực tỷ giá vẫn luôn thường trực, tuy nhiên phần nào đã được phản ánh vào sự giảm giá của VND so với USD. VCBS dự báo trong điều kiện thế giới không xuất hiện thêm các sự kiện bất ngờ, hay DXY không ghi nhận tăng mạnh, VND có thể không giảm giá thêm nữa trong quý II và quý III.

“Các diễn biến căng thẳng trên thị trường trong giai đoạn này cũng như nhiều lần được ghi nhận trước đây có tác động không nhỏ từ tâm lý đầu cơ găm giữ trong ngắn hạn. Và theo đó, việc kiểm soát hạn chế tâm lý đầu cơ găm giữ góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lý do lý giải hiện tượng trong quá khứ sau thời điểm căng thẳng, tỷ giá thường hạ nhiệt khá nhanh tương tự như thời gian leo dốc: tiêu biểu trong giai đoạn tháng 9/2023 hay xa hơn tháng 10/2022”- nhóm chuyên gia phân tích thêm.

Theo đó, trước các áp lực thường trực, khả năng VND giảm giá vẫn luôn hiện hữu. Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngoại tệ tại từng thời điểm, điều hành của NHNN cũng như diễn biến sức mạnh USD.

“VCBS kỳ vọng, vào thời điểm cuối năm, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, trong điều kiện thuận lợi DXY không tăng và thậm chí giảm nhẹ, cùng các điều hành linh hoạt của NHNN, VND có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD”, báo cáo nhấn mạnh.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/du-bao-vnd-khong-giam-gia-them-trong-quy-ii-va-quy-iii-lai-tien-gui-co-the-nhich-nhe-ve-cuoi-nam.html