Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên lỡ hẹn về đích 30/6
Đến nay dù cho 7/8 gói thầu thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19) đã cơ bản hoàn thành khối lượng theo hợp đồng, tuy nhiên hiện gói thầu XL01 vẫn còn vướng mặt bằng, điều kiện thi công đèo dốc đang khiến nhà thầu gặp nhiều trở ngại.
Đồng thời, tại gói thầu XL04 đang hoàn thiện các phát sinh thay đổi do địa phương mới đề xuất điều chỉnh bổ sung. Vì vậy dự án không thể về đích đúng hẹn vào ngày 30/6 tới, dự kiến đến cuối tháng 8 dự án mới hoàn thành và đưa vào khai thác. Vậy làm sao để gỡ các nút thắt này, tránh việc dự án tiếp tục lỡ hẹn? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Lê Tuấn Mạnh, Trưởng phòng Dự án 4, Ban QLDA 2 xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết tiến độ Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19) đến thời điểm hiện nay?
Ông Lê Tuấn Mạnh: Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (gọi là dự án QL19) có 8 gói thầu xây lắp, đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Hiện nay, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều dài hơn 126km nhận được sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương, nên đến nay các gói thầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai các nhà thầu đã hoàn thiện xong các hạng mục chính của dự án, trừ hạng mục ATGT.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang tổ chức công tác thẩm tra ATGT để đưa công trình vào khai thác, cố gắng hoàn thành các thủ tục để bàn giao dự án vào tháng 7 tới.
Còn đối với địa bàn tỉnh Bình Định có 1 gói thầu xây lắp là XL01 có chiều dài 17km, chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành trong tháng 6/2024 tuy nhiên trong quá trình triển khai đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về mặt bằng.
PV: Như vậy đa số các gói thầu đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn gói thầu XL01 đang vướng mặt bằng, ông có thể cho biết cụ thể hơn và giải pháp để tháo gỡ nút thắt về mặt bằng?
Ông Lê Tuấn Mạnh: Tại gói thầu số XL01 hiện nay còn vướng mặt bằng phạm vi 2 đầu cầu là cầu Bàu Sen và cầu Ba La, mặc dù Ban QLDA2 và Bộ GTVT đã yêu cầu địa phương bàn giao mặt bằng trước tháng 4 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong khi chi phí giải phóng mặt bằng, Ban đã chuyển đầy đủ cho địa phương để thực hiện công tác chi trả, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số hộ đang còn thắc mắc về cơ chế chính sách đền bù, đường gom, rung nứt nhà dân do thi công… chúng tôi đang phối hợp với địa phương để vận động nhân dân bàn giao trong tháng 6 này.
Vấn đề thứ hai là phạm vi đèo thi công rất khó khăn, mặt đường hẹp nhưng xe quá khổ, quá tải rất nhiều, hễ trời mưa hay thay đổi thời tiết rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho quá trình triển khai thi công. Hiện nay cơ bản về mặt tuyến đã hình thành hình hài con đường, đang chuyển sang giai đoạn thi công lớp cấp phối đá dăm và kết cấu mặt đường, nếu địa phương đảm bảo giải phóng mặt bằng trong tháng 6 thì sẽ hoàn thành gói thầu này trong tháng 7/2024.
PV: Chúng tôi được biết tại gói thầu XL04 về giá trị theo hợp đồng đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vừa qua địa phương đã đề xuất điều chỉnh bổ sung một số hạng mục liên quan đến hệ thống thoát nước 2 bên tuyến. Vậy đề xuất này có được chấp thuận hay không và kế hoạch triển khai thế nào?
Ông Lê Tuấn Mạnh: Đối với hệ thống thoát nước, tức là rãnh dọc 2 bên tuyến của gói thầu xây lắp số XL04, đây là yêu cầu chính đáng của địa phương. Theo quy hoạch của địa phương, nó rất rộng, nhưng do nguồn vốn và theo thiết kế của dự án thì nó đang hẹp hơn, dẫn đến địa phương yêu cầu làm đủ quy mô, dẫn đến quá trình thi công hệ thống rãnh dọc bị chậm lại.
Hiện nay, địa phương mới có ý kiến thống nhất về quy mô và phạm vi của hệ thống rãnh, gần đây nhất ngày 15/5 huyện Mang Yang mới có văn bản thống nhất về quy mô của hệ thống rãnh dọc này, chúng tôi đang hoàn thiện lại bản vẽ thiết kế và dự toán để cho nhà thầu triển khai. Hiện nhà thầu đã triển khai đúc cấu kiện lắp đặt cho hệ thống rãnh dọc, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7 tới.
PV: Xin cảm ơn ông.