Drone và chống drone - câu chuyện 'mèo vờn chuột'

Công nghệ drone quân sự nở rộ kéo theo sự phát triển của các công nghệ chống drone, cho dù đây vẫn là câu chuyện 'mèo vờn chuột'.

Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine cho thấy tính hiệu quả của máy bay không người lái (drone/UAV) giá rẻ. Chúng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với các vũ khí, khí tài tinh vi và đắt tiền.

Một ví dụ khác là cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. Tổ chức vũ trang này đã triển khai hàng nghìn drone mang đầy chất nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các cơ sở quốc phòng và dân sự Israel.

Và như trò chơi mèo vờn chuột, drone phát triển, được ứng dụng rộng rãi trên chiến trường đã thúc đẩy cácc công nghệ mới nhằm hạn chế hiệu quả của drone quân sự.

Nga là một trong những nước đi tiên phong ở lĩnh vực này. Họ đã triển khai Abzats và Gyurza, hai hệ thống chống drone được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), trên chiến trường Ukraine.

Abzats là thiết bị gây nhiễu di động, sử dụng thuật toán AI để tự động di chuyển và thực hiện các nhiệm vụ tác chiến điện tử, gây nhiễu toàn bộ dải tần được sử dụng bởi drone hay UAV.

Gyurza cũng là thiết bị gây nhiễu chống drone được hỗ trợ bởi AI. Thiết bị này được cho là gây nhiễu có chọn lọc các tần số được drone Ukraine sử dụng và vô hiệu hóa chúng.

Theo Oleg Zhukov, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu và sản xuất Geran của Nga, việc tích hợp AI vào tác chiến điện tử đang chứng tỏ tính hiệu quả trong việc “tự động phát hiện và ngăn chặn các hệ thống drone của đối phương”.

Theo EAT, Ukraine cũng đang nhận được các hệ thống chống drone từ Mỹ, chẳng hạn như xe chuyên dụng trang bị súng chống drone, hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser và các thiết bị chống drone/UAV khác.

Một drone đang thực hiện chặn bắt drone khác ở khu thử nghiệm an ninh Nevada, Las Vegas, Mỹ. (Ảnh: Defense One).

Một drone đang thực hiện chặn bắt drone khác ở khu thử nghiệm an ninh Nevada, Las Vegas, Mỹ. (Ảnh: Defense One).

Ukraine gần đây tiếp nhận một số hệ thống CORTEX Typhon từ Kongsberg, một công ty của Na Uy. Hệ thống này sử dụng radar phát hiện drone và sau đó khai hỏa tên lửa bắn hạ chúng.

Ukraine đã tự phát triển và triển khai một số hệ thống tác chiến điện tử như Brave1 để chống lại tên lửa hành trình của Nga. Họ còn có một hệ thống được gọi là VAMPIRE trang bị tên lửa dẫn đường bằng laser lắp đặt trên xe tải, đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các cuộc tấn công bằng drone của Nga ở Kiev và các nơi khác. Hệ thống này tỏ ra hiệu quả trong việc chống lại các drone Shahed do Iran sản xuất mà Nga sử dụng.

Ngoài Nga và Ukraine, Israel cũng có nhiều thành tựu trong lĩnh vực chống drone. Quân đội nước này có trong tay Hệ thống phòng thủ tiên tiến Rafael Dome và Elbit Systems ReDrone, có thể phát hiện drone thông qua radar 3D (cung cấp thông tin về vị trí ba chiều của các vật thể), phát hiện tín hiệu hoặc camera, sau đó phát ra tín hiệu gây nhiễu để làm gián đoạn hoạt động của nó.

Những hệ thống này ngoài Israel hiện còn được một số quốc gia khác sử dụng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Không có gì ngạc nhiên khi thị trường thiết bị, công nghệ chống drone đang phát triển nhanh chóng. Thị trường chống drone toàn cầu được định giá 1,3 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 14,6 tỷ USD vào năm 2031, tăng trưởng với tốc độ hằng năm 27,9% từ 2022 đến 2031.

Các công ty chủ chốt trong thị trường này là Tập đoàn Lockheed Martin, Dedrone, Advanced Radar Technologies, Liteye Systems Inc., SAAB, Thales, Raytheon Technologies Corporation, Blighter Surveillance Systems Limited, DETECT, INC. và DroneShield. Phân khúc quốc phòng chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng và tiềm năng của thị trường drone, các hệ thống chống drone hiện tại được cho là có một số hạn chế lớn.

Thách thức lớn nhất là yếu tố chi phí. Không giống như drone rẻ tiền và được sản xuất nhiều, các hệ thống chống drone rất đắt đỏ. Ngành công nghiệp chống drone được cho là đang chi hàng triệu đô la để đánh bại mối đe dọa có giá khoảng 500 đô la mỗi chiếc.

Ngoài ra, không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả để giải quyết vấn đề drone. Mỗi công nghệ và phương pháp chống drone đều yêu cầu những hoàn cảnh và mục tiêu cụ thể. Các chuyên gia nói rằng ngành công nghiệp chống drone chưa phát triển được các hệ thống “có thể khái quát hóa, có thể mở rộng và áp dụng cho nhiều nền tảng”.

Brett Velicovich, cựu quân nhân Mỹ và là Giám đốc điều hành Drone Experts, nói với Defense One: “Hiện có hơn 200 công nghệ chống drone với hơn 100 nhà sản xuất. Nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào có thể đảm bảo 100% ngăn chặn được mọi loại drone”.

Mặc dù có nhiều cách để hạ gục drone, thách thức thực sự là tạo ra một hệ thống giá cả phải chăng và hiệu quả để giải quyết các loại tình huống khác nhau.

Trên thế giới hiện có bốn loại hệ thống chính để đối phó với drone: Theo dõi, gây nhiễu, động học (tác động vật lý) và kết hợp, chiếm quyền điều khiển/mạng. Các chuyên gia nói rằng mặc dù có nhiều lựa chọn trong ba loại đầu tiên, nhưng thế giới chưa đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực thứ tư là chiếm quyền điều khiển.

Nói rộng hơn, thông qua việc theo dõi và gây nhiễu, là những hệ thống phi động học, người ta có thể xác định vị trí của drone và làm gián đoạn khả năng bay của nó bằng cách chặn hoặc phá hỏng các tín hiệu quan trọng để điều khiển và điều hướng. Do đó, những hệ thống này làm cho drone không còn khả năng phát hiện các tín hiệu lệnh và làm gián đoạn các kế hoạch bay được tải sẵn.

Hệ thống động học là hệ thống bắn đạn để tiêu diệt drone. Quân đội một số nước có các lựa chọn động học sau: Súng bắn lưới để quấn chặt drone, khiến chúng rơi hoặc không thể hoạt động; vũ khí năng lượng định hướng, sử dụng tia laser hoặc vi sóng công suất cao để vô hiệu hóa hệ thống điện tử của drone hoặc phá hủy hoàn toàn; drone đánh chặn, được thiết kế để va chạm và tiêu diệt drone thù địch; súng và tên lửa.

Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, đây không phải là những hệ thống “tất cả trong một” và hiệu quả của chúng sẽ khác nhau tùy theo vị trí và tình huống, đặc biệt khi một bên phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công bằng drone cùng lúc.

Trong khi đó, các nhà sản xuất drone cũng đang đồng thời cải tiến và phát hiện các lỗ hổng trong cảm biến và vùng phủ sóng radar. Drone tấn công đã đạt được những tiến bộ trong việc lựa chọn vectơ tấn công, tăng cường các khả năng thích ứng.

Chính vì thế mà ngày nay người ta đang nói nhiều về tầm quan trọng của việc xây dựng những “nơi trú ẩn” bất khả xâm phạm như boongke chống lại các cuộc tấn công bằng drone.

Một báo cáo của Học viện Quân sự Mỹ, đúc rút kinh nghiệm phòng thủ trước tên lửa, rocket và drone ở Trung Đông, cho rằng chốt lại, có ba cách để phòng thủ trước drone tấn công: bắn hạ chúng, tấn công chúng bằng nhiễu điện tử hoặc tìm nơi trú ẩn và chịu đựng các đòn tấn công.

Mặc dù quân đội Mỹ sở hữu các công nghệ chống drone đắt tiền, báo cáo của Học viện Quân sự Mỹ nhấn mạnh một số lựa chọn đơn giản và rẻ nhất. “Bao cát và bê tông vẫn là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất”, báo cáo viết.

Trúc Mai (Nguồn: Defense One, EAT, Defense Post)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/drone-va-chong-drone-cau-chuyen-meo-von-chuot-ar873100.html