'Đốt tiền' vào chip, liệu Trung Quốc có thành công?

Trung Quốc đang cố gắng chống lại các hạn chế về chip của Hoa Kỳ, nhưng những nỗ lực sản xuất thiết bị quan trọng của họ cho thấy không chỉ là vấn đề chi hàng tỷ đô la...

Việc sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất đòi hỏi phải có máy quét thạch bản tiên tiến để in các thiết kế mạch nhỏ, phức tạp lên các vi mạch. Ảnh minh họa

Việc sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất đòi hỏi phải có máy quét thạch bản tiên tiến để in các thiết kế mạch nhỏ, phức tạp lên các vi mạch. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), các nhà sản xuất chất bán dẫn sẽ chi số tiền kỷ lục 400 tỷ USD cho thiết bị sản xuất chip máy tính trong giai đoạn 2025-2027. Riêng trong năm 2025, chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip máy tính sẽ tăng 24% lên 123 tỷ USD.

Động lực chính để các công ty mạnh tay đầu tư bao gồm bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng với nhu cầu tăng cao của chip AI và chip nhớ liên quan. Và Trung Quốc chính là quốc gia có mức chi tiêu vào thiết bị sản xuất chip lớn nhất.

Theo SEMI, Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì vị thế là khu vực chi tiêu hàng đầu, với mức đầu tư hơn 100 tỷ USD trong ba năm tới nhờ chính sách tự cung tự cấp quốc gia.

TIỀN SẼ GIÚP ÍCH NHƯNG “CHỈ ĐƯỢC MỘT PHẦN NÀO ĐÓ"

Thực tế, Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho thiết bị bán dẫn kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn vào tháng 10/2022, trong bối cảnh lo ngại rằng các hạn chế xuất khẩu tiếp theo có thể xảy ra.

Trong nửa đầu năm 2024,Trung Quốc đã chi tới 24,73 tỷ USD để tích trữ thiết bị sản xuất chip, vượt qua tổng số tiền mà Hoa Kỳ, Đài Loan và hai quốc gia lớn khác đã chi trong cùng kỳ.

Trung Quốc đang cố gắng chống lại các hạn chế về chip của Hoa Kỳ, nhưng những nỗ lực sản xuất thiết bị quan trọng của họ cho thấy không chỉ là vấn đề chi hàng tỷ đô la.

Việc sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất đòi hỏi phải có máy quét thạch bản tiên tiến để in các thiết kế mạch nhỏ, phức tạp lên các vi mạch. ASML có trụ sở tại Hà Lan là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất những cỗ máy đó. Nhưng chính phủ Hà Lan đã cấm bán thiết bị tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là việc chế tạo những cỗ máy đó là trọng tâm trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của Trung Quốc.

Theo chuyên gia John Lee, Giám đốc công ty tư vấn East-West Futures, việc chi tiền vào những vấn đề này sẽ giúp ích nhưng “chỉ được một phần nào đó". Ông John Lee cho rằng việc phát triển các công nghệ chính, chẳng hạn như in thạch bản, và lực lượng lao động lành nghề, đủ mạnh vẫn quan trọng hơn.

ĐỘNG THÁI CỦA TRUNG QUỐC

Trung Quốc dường như đang học hỏi từ sách lược truyền thống của mình, bao gồm các kế hoạch nhiều năm và trợ cấp để hỗ trợ các ngành công nghiệp như ô tô điện.

Chiến lược ô tô điện đã thành công khi các công ty trong nước cắt giảm thị phần của các công ty ô tô nước ngoài tại Trung Quốc.

Trong lĩnh vực xe điện, trợ cấp đã khuyến khích nhu cầu và tạo ra một "thị trường lớn, được bảo vệ" để các công ty Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quy mô, theo Camille Boullenois, phó giám đốc tại Rhodium Group.

Nhưng trong ngành công nghiệp chip phức tạp hơn, "việc phá vỡ giới hạn công nghệ khó hơn nhiều", bà Camille Boullenois cho biết. "Các đòn bẩy truyền thống của chính sách công nghiệp Trung Quốc dường như kém hiệu quả hơn".

Trong khi đó, Hoa Kỳ không chỉ hạn chế quyền tiếp cận chip của Trung Quốc mà còn cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp của chính mình, qua đó nới rộng thêm khoảng cách công nghệ.

Đạo luật Khoa học Chip của Hoa Kỳ năm 2022 đã phân bổ 52 tỷ USD để tài trợ cho năng lực sản xuất chip trong nước.

Theo báo cáo chung của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SEMI và Boston Consulting Group, thị phần chip tiên tiến nhất của Hoa Kỳ - dưới 10 nanomet - dự kiến sẽ tăng từ mức 0 vào năm 2022 lên gần 30% vào năm 2032, trong khi thị phần của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ đạt 2% trong 10 năm đó.

Một công nhân sản xuất chip cho điện thoại di động, ô tô, đèn LED tại một xưởng ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Một công nhân sản xuất chip cho điện thoại di động, ô tô, đèn LED tại một xưởng ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã khiến các chính quyền địa phương khó có thể hỗ trợ tham vọng tự chủ của Bắc Kinh trong công nghệ chip.

Vào tháng 5, Bắc Kinh đã ra mắt quỹ đầu tư do nhà nước hậu thuẫn trị giá 47,5 tỷ USD cho chip, lớn hơn cả hai quỹ trước đó cộng lại.

Nhưng quỹ gần đây nhất có ít chính quyền địa phương tham gia hơn. Theo phương tiện truyền thông địa phương, chỉ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông - nơi có ngành công nghiệp chip mạnh hơn - mới cam kết đầu tư.

Hoàng Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dot-tien-vao-chip-lieu-trung-quoc-co-thanh-cong.htm