Dòng tiền đang trở lại, VN-Index có cơ hội lớn vượt 1.300 điểm trong tuần này?

Khả năng bứt phá qua ngưỡng cản 1.300 điểm là khá cao trong bối cảnh dòng tiền mới bắt đầu quay trở lại, so với các lần chỉ số VN-Index tiện cận ngưỡng cản này trong năm 2024, thanh khoản lúc này tuy không cao bằng nhưng lại là dư địa cho dòng tiền ở các nhịp rung lắc hay điều chỉnh ở khu vực này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index ghi nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, chốt tuần ở mức 1.296,75 điểm. Chốt tuần, chỉ số VN-Index đã tăng 20,67 điểm tương đương mức tăng 1,62% và đã leo lên sát ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng 1.300 điểm.

Đà tăng của thị trường được thúc đẩy bởi những thông tin vĩ mô trong nước và quốc tế tích cực. Cụ thể, những lo ngại về chính sách thuế quan của Trump tạm thời “hạ nhiệt” khi chính quyền Mỹ chưa có thêm động thái áp thuế đáng kể nào tiếp theo, kéo theo đà giảm của chỉ số sức mạnh đồng USD (dollar index) về quanh 106,5.

Nhận định về xu hướng thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường của chứng khoán Vndirect cho rằng các quan ngại về rủi ro tỷ giá đã phản ánh “phần lớn” vào giá và thị trường đang dần chuyển hướng sang các câu chuyện khác thời sự hơn như mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và các quyết sách sắp tới của Chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuần qua, Quốc hội đã chính thức thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là từ 8% trở lên. Đây là mục tiêu rất tham vọng, do đó kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ sớm đưa ra những chính sách quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này, bao gồm cả mở rộng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Cuối tuần cũng xuất hiện thông tin quan trọng liên quan tới nhóm cổ phiếu thép khi Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT, áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mức thuế này, dao động từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày 08/03/2025. Thông tin này sẽ có tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt là HPG.

Với những diễn biến hiện tại, ông Hinh cho rằng chỉ số VnIndex có thể tiếp tục vận động hướng lên và thử thách ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm trong tuần tới. Thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc tại vùng này khi một bộ phận nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy vậy, xác suất thị trường vượt 1.300 điểm đã tăng lên đáng kể và nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp chỉnh ngắn hạn nếu có để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên những doanh nghiệp trong những ngành đang có câu chuyện hỗ trợ như đầu tư công, vật liệu xây dựng, ngân hàng, bất động sản nhà ở và chứng khoán.

Về định giá, theo chứng khoán MBS, hiện tại chỉ số P/E của thị trường (13,97 lần) thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với bình quân 5 năm (16,98 lần). Đây là lần thứ 2 chỉ số P/E về mức hỗ trợ này kể từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2024, thời điểm chỉ số Vn-Index ở vùng 1.250 điểm.

Theo MBS, chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp, dài nhất kể từ đầu năm 2024 của chỉ số Vn-Index đang mở ra cơ hội vượt ngưỡng 1.300 điểm khi dòng tiền đang có sự cải thiện đáng kể và định giá của thị trường thấp hơn 17,7% so với mức bình quân 5 năm.

Bối cảnh trong nước khá tích cực với sự quyết tâm của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Bên cạnh đó, dòng tiền vào thị trường kể từ sau Tết nguyên Đán cũng đang tăng dần, từ mức nền 12.000 – 13.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1 đã tăng lên ngưỡng gần 19.000 tỷ đồng ở tuần vừa qua.

Ngoài ra, từ sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2024 khá tích cực đã giúp định giá của thị trường hấp dẫn hơn, qua đó giúp thị trường chống đỡ khá tốt với các tác động từ tỷ giá USD/VND trong nước cũng như các tác động từ thuế quan trong vòng 1 tháng qua.

Về kỹ thuật, khả năng bứt phá qua ngưỡng cản 1.300 điểm là khá cao trong bối cảnh dòng tiền mới bắt đầu quay trở lại, so với các lần chỉ số Vn-Index tiện cận ngưỡng cản này trong năm 2024, thanh khoản lúc này tuy không cao bằng nhưng lại là dư địa cho dòng tiền ở các nhịp rung lắc hay điều chỉnh ở khu vực này.

Trong kịch bản cơ sở, thị trường sẽ gặp áp lực chốt lời cũng như các nhịp rung lắc mạnh ở thời điểm đầu tuần, thanh khoản khả năng sẽ tiếp tục tăng và nhóm cổ phiếu thị trường có nhiều cơ hội bứt phá khi chỉ số Vn-Index bứt phá thành công ngưỡng 1.300 điểm, vùng cản trong kịch bản này ở khu vực 1.330 -1.350 điểm, vùng hỗ trợ ở khu vực 1.265 – 1.275 điểm.

Trong kịch bản thận trọng, nhóm Bluechips đột phá không thành công ngưỡng 1.300 điểm, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ gặp áp lực chốt lời mạnh hơn do đang có lợi nhuận tốt hơn so với nhóm Bluechips, trong kịch bản này vùng hỗ trợ cho thị trường ở khu vực 1.270 điểm, và nhóm cổ phiếu đi lên từ nội lực hoặc ít chịu tác động từ yếu tố bên ngoài sẽ là địa chỉ của dòng tiền cơ cấu.

Việc chứng khoán Mỹ điều chỉnh ngay tại vùng đỉnh trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại các tín hiệu về tăng trưởng kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và thuế quan, kết hợp với việc chỉ số Vn-Index đang tiệm cận vùng cản 1.300 điểm là khu vực đã chặn đà tăng của thị trường ở 3/4 thời gian giao dịch năm 2024 sẽ chi phối hành động của nhà đầu tư đầu tuần này.

"Một tín hiệu bức phá kèm thanh khoản cao sẽ kích hoạt dòng tiền đứng ngoài quay trở lại khi các tín hiệu đã trở nên rõ ràng hơn. Ngược lại, áp lực chốt lời sẽ diễn ra chủ yếu ở nhóm cổ phiếu có mức sinh lời tốt trong 5 tuần vừa qua. Trong cả 2 kịch bản, chúng tôi vẫn cho rằng nhóm cổ phiếu đi lên từ nội lực vẫn sẽ có ưu thế hơn, một số nhóm cổ phiếu nổi bật như: Đầu tư công, Ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, sản xuất và phân phối điện, v.v…sẽ được dòng tiền quan tâm ở các nhịp điều chỉnh hoặc rung lắc trong phiên", các chuyên gia phân tích của MBS kỳ vọng.

Tuệ Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-tien-dang-tro-lai-vn-index-co-co-hoi-lon-vuot-1-300-diem-trong-tuan-nay.htm