Đồng Nai: xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để bùng dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lây lan, UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu các đơn vị tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để bùng phát dịch.

Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng heo lớn của cả nước với hơn 2 triệu con. Ảnh: Thái Bảo

Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng heo lớn của cả nước với hơn 2 triệu con. Ảnh: Thái Bảo

Đồng Nai là một trong những địa phương có số lượng heo lớn của cả nước với hơn 2 triệu con. Trong đó, 90% là chăn nuôi theo quy mô trang trại. TTXVN đưa tin, theo khuyến cáo của giới chuyên gia, thời tiết hiện nay là điều kiện dễ lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi. Do đó, người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần cân nhắc việc tăng đàn, chú trọng các giải pháp an toàn dịch bệnh để bảo vệ vật nuôi.

UBND tỉnh cho biết, theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, tính đến ngày 29-10-2024, cả nước đã xảy ra hơn 1.400 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số heo tiêu hủy hơn 80.800 con.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã phát hiện 7 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, tập trung tại 5 huyện là Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và Định Quán. Số lượng lợn phải tiêu hủy là gần 170 con.

Trước tình trạng dịch bệnh sẽ còn tăng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh thêm ổ dịch. Cùng với đó là tiêu hủy số lượng heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chủ động các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để bùng phát dịch trên địa bàn.

Đơn vị liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển heo mắc bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Không chỉ ở tỉnh Đồng Nai, ở một số địa phương khác như ở tỉnh Tây Ninh, lực lượng chức năng cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho đàn heo khoảng 410.000 con trước nguy cơ dịch bệnh tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhập qua biên giới từ Campuchia và các tỉnh, thành lân cận. Các lực lượng ngành nông nghiệp phối hợp với lực lượng biên phòng và công an để xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đối với heo nhập từ các tỉnh vào Tây Ninh, ngoài giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, chủ trang trại, cơ sở trong vòng 24 giờ phải khai báo số lượng đến trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố, nơi cơ sở đang hoạt động để phối hợp và giám sát. Đối với heo nhập trong tỉnh, cơ sở phải có phiếu xuất kho, phiếu cân và trong vòng 24 giờ phải khai báo số lượng để trạm chăn nuôi và thú y địa phương phối hợp và giám sát.

Ở Nghệ An, UBND tỉnh cũng đã có Chỉ thị 45 về triển khai giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, các địa phương tổ chức khâu phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch; xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo đúng quy định. UBND cấp huyện ưu tiên điều chỉnh kế hoạch, bố trí kinh phí mua vaccine dịch tả lợn Châu Phi và tổ chức tiêm phòng sao cho đồng bộ.

Thùy Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-nai-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-neu-de-bung-dich-ta-lon-chau-phi/