Đồng Nai bám 6 hành lang cao tốc, 3 vành đai để phát triển
Đồng Nai xây dựng cơ sở phát triển trên 6 hành lang và 3 vành đai. Bao gồm hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và quốc lộ 51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết, quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Tân Phú…
Bám hành lang cao tốc và 3 vành đai
Trong đồ án quy hoạch vừa được phê duyệt vào ngày 3/7, Chính phủ đồng ý cho Đồng Nai lấy công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao làm phương hướng chủ đạo.
Với lợi thế giáp ranh TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, giai đoạn từ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics… để đồng bộ, tạo liên kết vùng và khai thác tối đa tiềm năng của sân bay Long Thành.
Việc phát triển kinh tế xã hội ở Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở phát triển 6 hành lang và 3 vành đai.
Bao gồm hành lang sông Đồng Nai, hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và quốc lộ 51, hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết, hành lang quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam, hành lang quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, hành lang cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Các dự án này hiện nay cũng đã và đang triển khai, dự kiến đưa vào khai thác trong giai đoạn này đến năm 2030.
Tận dụng ưu thế 3 vành đai gồm: vành đai 4 vùng TP.HCM, vành đai quốc lộ 56 - đường tỉnh 762 và vành đai liên kết Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.
Tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển theo 3 vùng kinh tế - xã hội, bám vào các đặc trưng nổi bật của từng địa phương.
Trong đó, vùng phía Tây từ đường Vành đai 4 đến sông Đồng Nai, gồm thành phố Biên Hòa, các đô thị Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và một phần huyện Vĩnh Cửu sẽ là vùng động lực đô thị - dịch vụ - công nghiệp. Hạt nhân phát triển chính là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai kéo dài từ Biên Hòa đến Long Thành - Nhơn Trạch.
Vùng này sẽ lấy công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo làm chủ đạo. Từng bước liên kết các đô thị lớn qua không gian ngầm gắn với phát triển các loại hình chức năng thương mại - dịch vụ, đô thị. Phát triển các dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ phục vụ sân bay Long Thành và sông Đồng Nai.
Vùng phía Đông bao gồm thành phố Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và một phần huyện Định Quán tập trung phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Lấy thành phố Long Khánh làm hạt nhân trung tâm và tập trung phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa quy mô vừa và nhỏ.
Riêng vùng phía Bắc gồm phần còn lại của huyện Vĩnh Cửu, huyện Định Quán và toàn huyện Tân Phú là vùng động lực phát triển nông nghiệp - du lịch - sinh thái với cặp đô thị Định Quán - Tân Phú là hạt nhân trung tâm, gắn với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc.
Cũng theo quy hoạch được duyệt, trước năm 2030, Đồng Nai sẽ kết nối tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đến huyện Trảng Bom.
Sau năm 2030, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị như tuyến đường sắt đô thị trung tâm hành chính mới - sân bay Biên Hòa; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh; tuyến đường sắt đô thị Long Khánh - Cẩm Mỹ - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị sân bay Biên Hòa - sông Đồng Nai (kết nối đến tỉnh Bình Dương).
Đối với đường sắt kết nối vùng, Đồng Nai thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và đầu tư xây mới tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Nha Trang, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành. Nghiên cứu, đầu tư mới tuyến đường sắt kết nối từ đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đến cảng Phước An.
Tận dụng ưu thế về giao thông, cảng biển
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều năm qua tỉnh đã tập trung nâng chất hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin truyền thông, công trình thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý chất thải… Đồng thời còn tập trung quy hoạch đô thị sân bay Long Thành với việc nâng chất lượng hệ thống logistics để đưa Đồng Nai trở thành đô thị đẳng cấp, cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam và là địa điểm giao thương lớn trong nước, quốc tế…
Đồng Nai cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Logistics khu công nghệ cao Long Thành cho Tập đoàn Jeil E&C (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 35,4 triệu USD, diện tích đất hơn 4ha.
Dự án này khi đi vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu kho vận, phục vụ cho lĩnh vực giao hàng chặng cuối, phân phối bán lẻ, đặc biệt là thương mại điện tử của Đồng Nai, nhất là khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Khi đánh giá về các thế mạnh của Đồng Nai, GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh lại cho rằng, Đồng Nai đa dạng về các loại hình giao thông nhưng tính liên kết chưa cao, do đó phải bứt phá hơn.
"Lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm để kết nối đường bộ, đường thủy, đường sắt…", ông Võ Xuân Vinh đề xuất.
Đồng Nai hiện đang là một đại công trường với hàng loạt dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM. Đồng Nai cũng đã có các tuyến đường lớn ngang qua như QL1, QL51, QL56, QL20, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Phước An...
Một số dự án lớn cũng đang hoàn thiện hồ sơ như sân bay Biên Hòa, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Cát Lái, Vành đai 4 TP.HCM...
Trước đó, trong chuyến công tác tại Đồng Nai, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (nay là Tổ trưởng Tổ cố vấn cho Bộ trưởng Bộ GTVT) gợi ý: Đồng Nai cần tận dụng thế mạnh về giao thông để phát triển kinh tế địa phương.