Động lực cho thương mại Việt - Lào tăng trưởng cao hơn
Tháng 4/2024, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Lào đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới. Cùng với những Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, Hiệp định thương mại mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào năm 2015, thúc đẩy hợp tác thương mại Việt - Lào hướng tới những mục tiêu cao hơn.

Hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoài Nam
Lần đầu tiên đạt mốc 2 tỷ USD
Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào được ký lần đầu năm 2015. Việc thực thi hiệp định này đã mang lại những kết quả tích cực trong hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước, giúp cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng dương nhiều năm liền. Trong đó, kim ngạch thương mại song phương hai nước lần đầu tiên cán đích 1 tỷ USD vào năm 2018.
Vượt qua những khó khăn, thách thức đến từ đại dịch Covid-19, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020, gấp 3 lần mục tiêu hai nước đề ra (10%). Tiếp nối đà tăng trưởng đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào bứt phá, tiến tới kỷ lục mới 1,65 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước giảm nhẹ với mức 1,63 tỷ USD.
Tuy nhiên, sang năm 2024, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Lào tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy với kết quả mang lại rất ấn tượng khi vượt mốc 2 tỷ USD và đạt hơn 2,2 tỷ USD thặng dư thương mại, tăng gần 34% so với năm 2023. Kết quả này vượt xa mục tiêu mà Chính phủ hai nước đề ra. Về hợp tác đầu tư, tính đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 267 dự án tại Lào, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,7 tỷ USD. Những con số trên là rất ấn tượng và là minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp hai nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả hợp tác thương mại Việt Nam - Lào thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Theo tính toán của cơ quan chức năng hai bên, với quy mô hiện nay, kim ngạch thương mại hàng hóa Việt Nam - Lào mới chỉ bằng khoảng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.
Trong khi đó, thương mại song phương Việt Nam - Lào có nhiều lợi thế để tăng trưởng. Đó là đường biên giới dài đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Bên cạnh đó, với việc tham gia các Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của hai nước đang được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế về 0%... Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu của hai nước có tính bổ sung cho nhau.
Hiện, Việt Nam xuất khẩu sang Lào các loại hàng hóa chủ yếu là hóa chất, xăng dầu, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng, phương tiện vận tải, sắt thép, thức ăn gia súc, cà phê... Ở chiều ngược lại, Lào xuất khẩu sang Việt Nam giấy, phân bón, cao su, gỗ, ngô, quặng, than đá, khoáng sản.
Hướng tới sớm đạt kim ngạch 5 tỷ USD
Thương mại song phương Việt Nam - Lào hiện đang có những điều kiện thuận lợi và xung lực mới từ Hiệp định thương mại mới, được ký kết vào tháng 4/2024, gồm 15 điều khoản và 5 phụ lục bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới. Một trong những mục tiêu hướng tới của cả hai nước là thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

Cán bộ Biên phòng kiểm tra phương tiện xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoài Nam
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào tại Thủ đô Vientiane hồi tháng 1/2025, người đứng đầu chính phủ hai nước tiếp tục thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt, thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước. Trong đó, hai bên đã rà soát, đánh giá kết quả và thảo luận, nhằm tiếp tục khơi thông, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là đối với các dự án: Cảng Vũng Áng số 1, 2, 3 tại Việt Nam; sản xuất, mua bán điện giữa hai nước; các dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vientiane - Vũng Áng; khai thác, chế biến mỏ kali tại Lào...
Hai bên đặt mục tiêu phấn đấu tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2025 tăng từ 10-15% so với năm 2024, hướng tới sớm đạt kim ngạch 5 tỷ USD. Hai bên đã ký Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam năm 2025; Hiệp định giữa hai Chính phủ về mua bán điện than...
Tại Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào năm 2025 (tháng1/2025), các cơ quan, đối tác giữa hai nước đã ký kết, trao các giấy phép, văn kiện, thỏa thuận hợp tác triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD, trong đó có Dự án Nhà máy điện gió Savan1 của Công ty Điện gió SDVIC tăng vốn đầu tư lên 32 triệu USD; dự án tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào tăng vốn đầu tư lên 85,2 triệu USD; dự án Ngân hàng MB Lào tăng vốn lên 229,9 tỷ kíp Lào...
Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, cơ quan chức năng Việt Nam và Lào đã có nhiều cuộc gặp, hội nghị, trao đổi và thống nhất các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thỏa thuận đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất. Trong đó, đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có; tăng cường hợp tác phát triển thương mại điện tử; nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics và giao thông; nghiên cứu hợp tác phát triển cụm công nghiệp dọc biên giới hai nước.
Việc đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận hợp tác, các văn kiện, dự án hợp tác thương mại, kinh tế, trao đổi hàng hóa được cho là sẽ tạo những cú hích giúp hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước đạt được tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.