Đồng hành cùng trẻ vượt qua hội chứng tự kỷ

Từ tình yêu thương và tâm huyết với nghề, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý giáo dục Ban Mai Xanh (trụ sở tại thành phố Lai Châu) đã đồng hành cùng trẻ vượt qua hội chứng tự kỷ. Qua đó, giúp trẻ tự kỷ biết nói, biết sẻ chia, tự tin giao tiếp, tương tác xã hội, kỹ năng nhận thức và các hành vi tăng động, giác quan.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Tạ Thị Hợp - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý giáo dục Ban Mai Xanh cho biết: “Tháng 10/2019, trung tâm thành lập và tiền thân là Trung tâm Tư vấn và Can thiệp sớm Ban Mai Xanh. Tháng 6/2021, trung tâm vinh dự trở thành thành viên trực thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam; Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận hoạt động; Bộ Công an cấp giấy chứng nhận đăng ký và sử dụng con dấu số. Từ đó, đơn vị không ngừng phát triển quy mô cơ sở hoạt động ngày càng lớn mạnh, đồng hành cùng trẻ em trong và ngoài tỉnh vượt qua hội chứng tự kỷ, dễ dàng hòa nhập cuộc sống, phát triển trí tuệ”.
Hiện nay, trung tâm có 4 cơ sở hỗ trợ can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ đang hoạt động hiệu quả. Trong đó, cơ sở 1 tại tổ 18 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) có 13 cán bộ, giáo viên, trị liệu viên, với 69 trẻ; cơ sở 2 ở khu tập thể Bộ Công an, thôn Phú Hà (xã Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 8 cán bộ, giáo viên, trị liệu viên, gồm 30 trẻ; cơ sở 3 ở khu 2 (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ) có 3 cán bộ, giáo viên, trị liệu viên và 7 trẻ; cơ sở 4 ở đường Điện Biên Phủ, thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) với 5 cán bộ, giáo viên, trị liệu viên và 18 trẻ.
Ngay khi tiếp nhận trẻ, đội ngũ giáo viên, trị liệu viên tiến hành khám sàng lọc, đánh giá và đưa ra giáo trình, kế hoạch, phương pháp can thiệp theo hướng cá nhân hóa, phù hợp với khả năng của trẻ. Đồng thời, xây dựng môi trường trị liệu, can thiệp an toàn, vui tươi, tạo hứng thú cho trẻ; can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ với một số phương pháp kỹ thuật đặc thù như: TEACCH (trị liệu và giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ có khó khăn về giao tiếp), ABA (phân tích hành vi ứng dụng), DIR (dựa trên sự phát triển, khác biệt cá nhân, mối quan hệ)…

Một giờ can thiệp nhóm trị liệu vận động tại cơ sở 1 Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý giáo dục Ban Mai Xanh ở tổ 18 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu).

Cán bộ, giáo viên, trị liệu viên thường xuyên quan sát kỹ từng biểu hiện, nắm bắt sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của các em. Từ đó, lên kế hoạch lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp, nhằm tăng cường các hoạt động tạo cho trẻ tính chủ động. Đây là những kỹ năng cơ bản để giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập với cộng đồng.
Cô giáo Hoàng Thị Hiền (cơ sở 4 ở đường Điện Biên Phủ, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) tâm sự: “Hơn 5 năm làm việc với trẻ tự kỷ và 6 tháng gắn bó với cơ sở 4, tôi nhận thấy, để có thể hỗ trợ, nuôi dạy trẻ tự kỷ, với mỗi giáo viên luôn cần sự nỗ lực, bền bỉ, trách nhiệm và tình yêu thương. Có như vậy, các con mới có thể giảm bớt hành vi, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng”.
Đến thăm cơ sở 1 ở tổ 18 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chúng tôi được chứng kiến một buổi học của cô và trò và thực sự cảm phục sự kiên trì, tâm huyết của đội ngũ cán bộ nơi đây. Hiện, cơ sở có 69 trẻ có nhu cầu đặc biệt, trong đó 25 trẻ tham gia can thiệp nhóm và 44 trẻ thực hiện hỗ trợ can thiệp theo giờ. Nhiều trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ khi được can thiệp tích cực, đúng thời điểm, sau thời gian ngắn có sự thay đổi rõ rệt, có thể tham gia hòa nhập tại các trường mầm non và tiểu học như các bạn cùng trang lứa.
Tháng 1/2024, gia đình đưa cháu L.G.A. (SN 2020) ở tổ 7 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) đến cơ sở 1 đăng ký hỗ trợ can thiệp rối loạn phổ tự kỷ. Bấy giờ, cháu A. có biểu hiện lời nói, ánh mắt hạn chế, gọi không phản hồi, thường xuyên nghiến răng, rối loạn giấc ngủ. Nhờ gia đình và giáo viên kiên trì đồng hành, A. đã biết một số kỹ năng cơ bản như: nói được những câu dài, mắt tinh nhanh hơn, ngủ sâu giấc và khỏi hẳn tật nghiến răng.
Hay như cháu T. Q. T. A. (SN 2015) 4 tuổi ở khu 5 (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ), gia đình phát hiện con có nhiều hành động, biểu hiện không bình thường so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở nào can thiệp hội chứng tự kỷ. Vì vậy, cháu A. tham gia học cùng các bạn trong lớp mầm non và tiểu học vô cùng khó khăn do nhận thức, ngôn ngữ hạn chế và các hành vi tăng động (đánh bạn, la hét). Khi trung tâm mở cơ sở 3 tại thị trấn Sìn Hồ, tháng 1/2024, chị T. (mẹ A.) đăng ký cho con được can thiệp 2 giờ mỗi ngày ở tất cả các buổi trong tuần. Đến nay, cháu A. đã biết chào lễ phép, vui vẻ chơi cùng với các bạn và tuân thủ nề nếp, nội quy lớp học, duy trì lực học khá.
Có thể khẳng định, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý giáo dục Ban Mai Xanh đã “chắp cánh ước mơ” đồng hành cùng trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, trung tâm mong các bậc phụ huynh nên đưa con em đến các cơ sở can thiệp sớm, giúp trẻ càng có cơ hội phát triển tốt hơn; cha mẹ cần đồng hành, thực hành đúng cách giúp trẻ tiến bộ nhanh về thể chất, tinh thần và sớm hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.

Thu Minh Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ban-doc-viet/dong-hanh-cung-tre-vuot-qua-hoi-chung-tu-ky-873427