Đồng hành cùng người dân phòng, chống hạn hán
Do tác động của biến đổi khí hậu, dự báo trong thời gian sắp tới hạn hán, xâm nhập mặn có nguy cơ làm khan hiếm, thiếu nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với 24.394 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt nếu tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài. Vì vậy để phòng chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) đã triển khai trước nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước cung cấp đến hộ dân...
Trung tâm NS-VSMTNT hiện đang quản lý 146 công trình cấp nước tập trung, cung cấp nước cho 107.037 hộ dân, chất lượng nước cấp theo QCVN02:2009/BYT. Theo thống kê, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hơn 98% và tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt đạt QCVN Bộ Y tế là 57%. Để đảm bảo nguồn nước sạch nông thôn phục vụ cho người dân sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm 2019 - 2020, ngành nước nông thôn đã triển khai các giải pháp công trình nối đường ống cấp nước sinh hoạt, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn toàn tỉnh với tổng chiều dài 221.223m, phục vụ cho 7.836 hộ với tổng mức đầu tư trên 38 tỉ đồng. Bao gồm các công trình như: nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt cho các trạm/hệ trên địa bàn các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú và TX. Ngã Năm, có tổng chiều dài 76.020m, phục vụ nước sạch nông thôn cho 2.727 hộ, kinh phí đầu tư hơn 12,6 tỉ đồng. Tại huyện Kế Sách cũng đã được nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt với chiều dài 64.110m, cung cấp nước sinh hoạt cho 2.353 hộ, kinh phí đầu tư hơn 11,8 tỉ đồng. Đối với các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Châu Thành và TX. Vĩnh Châu cũng được ngành nước nông thôn nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt tại các trạm/hệ, tổng chiều dài 81.245m, phục vụ nước cho 2.756 hộ với mức đầu tư gần 14 tỉ đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Nguyễn Thành Được thông tin: “Ngoài công tác nối các tuyến ống cấp nước sinh hoạt cho bà con nông thôn, đơn vị còn triển khai xây dựng các trạm cấp nước tập trung tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn tại huyện Cù Lao Dung, đơn vị đã xây trạm cấp nước tập trung tại xã An Thạnh 2, có tổng chiều dài tuyến hơn 13.600m, phục vụ nước cho 577 hộ, tại huyện Mỹ Xuyên, nâng cấp trạm cấp nước tập trung tại xã Hòa Tú 2, chiều dài tuyến ống 18.690m, phục vụ nước cho 437 hộ. Đồng thời, đơn vị còn tiến hành nâng cấp mở rộng (kéo dài tuyến ống) các công trình cấp nước tại 19 xã trên địa bàn 2 huyện Trần Đề, Long Phú, công trình có tổng chiều dài 82.555m, phục vụ 2.694 hộ, các công trình đang giai đoạn hoàn thiện đạt 95% kế hoạch; xây dựng công trình Trạm Cấp nước Tổng Cán, xã Liêu Tú (Trần Đề) từ nguồn vốn Quỹ phòng tránh thiên tai miền Trung hỗ trợ 50% kinh phí và vốn ngân sách tỉnh đối ứng 50%, công trình có chiều dài tuyến 7.370m sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho 413 hộ dân. Riêng việc thực hiện Đề án Cấp nước sinh hoạt cho các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt và đơn vị đã triển khai thực hiện giai đoạn 1 của đề án từ tháng 8-2018, đến nay đã nâng cấp mở rộng mạng cấp nước với tổng chiều dài 57.465m/777.153m, phục vụ cho 2.178 hộ dân tại các xã: Long Bình (TX. Ngã Năm), Ba Trinh, Đại Hải, Trinh Phú (Kế Sách), Mỹ Tú (Mỹ Tú)”.
Đồng chí Nguyễn Thành Được thông tin thêm: “Để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, trong thời gian tới, ngành cấp nước nông thôn sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng tuyến ống cấp nước và xây dựng mới trạm cấp nước. Cụ thể đối với các khu vực dân cư chưa có tuyến ống cấp nước sinh hoạt tập trung sẽ đầu tư mở rộng tuyến ống cấp nước cho các khu vực này từ các công trình cấp nước tập trung hiện có để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện nguồn nước ngọt từ các sông, hồ, kênh rạch sử dụng cho sinh hoạt trước đây đều bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài 719.688m, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho 21.622 hộ dân với tổng kinh phí dự kiến hơn 115 tỉ đồng và xây mới 3 trạm cấp nước tập trung với kinh phí 45 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiến hành cải tạo, sửa chữa thiết bị để tăng công suất các trạm cấp nước hiện hữu nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong điều kiện chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn thiếu nước ngọt sinh hoạt, khảo sát và khoan thêm giếng dự phòng ở một số trạm cấp nước tập trung, sửa chữa các công trình, tuyến ống bị sự cố rò rỉ, tiêu hao nước…”.
Với hàng loạt các phương án, giải pháp công trình để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân nông thôn cùng với khó khăn về nguồn kinh phí triển khai công trình, Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ kinh phí 61 tỉ đồng để thực hiện các công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ống cấp nước nhằm giải quyết nhu cầu cấp nước, khắc phục ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, xem xét cho tỉnh Sóc Trăng được tham gia Dự án Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 vốn vay WB. Qua đó, kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ xây dựng hồ chứa nước để đơn vị chuyển đổi dần các công trình cấp nước từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước mặt trong tương lai để cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, trước tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm…