Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Làng đóng tàu Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có lịch sử hơn 700 năm. Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện nay, thợ làng đóng tàu làng Trung Kiên vẫn ngày đêm miệt mài cho ra đời những con tàu, góp sức cùng ngư dân vươn khơi, bám biển.

Nơi đóng những con tàu không số

Ngược dòng lịch sử hơn 700 năm về trước, thời vua Lê Thánh Tông đã trưng dụng những người thợ làng Trung Kiên để đóng và sửa chữa tàu thuyền cho quân đội, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ biên giới nước nhà. Kể từ đó, tiếng tăm của thợ đóng thuyền làng Trung Kiên càng được lan truyền xa. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề đóng tàu vẫn tồn tại, phát triển ở làng Trung Kiên.

Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, hàng trăm lượt thợ thuyền làng nghề được điều đi dân công làm nhiệm vụ bắc cầu, phà để vận chuyển quân lương thực phục vụ tiền tuyến. Không chỉ vậy, chính tại nơi đây những con tàu không số của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển lần lượt ra đời.

Nhắc đến truyền thống lâu đời và công lao to lớn của làng đóng tàu Trung Kiên, Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đóng tàu thuyền Trung Kiên tự hào kể: "Những năm 1958-1960, làng Trung Kiên là cơ sở đóng tàu không số đầu tiên của cả nước. Thời điểm đó, có một số người nói tiếng miền Nam đến làng, yêu cầu đóng một con tàu nhưng không có số hiệu gì cả. Ai cũng thắc mắc vì thấy lạ, nhưng nghe bảo "nhiệm vụ bí mật" nên nhóm thợ không hỏi gì thêm mà tập trung để hoàn thành đơn đặt hàng nhanh nhất. Sau này, người trong làng mới biết đó là những con tàu dùng để vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam”.

 Người dân làng đóng tàu Trung Kiên đang đóng khung tàu.

Người dân làng đóng tàu Trung Kiên đang đóng khung tàu.

Theo tài liệu của Ban liên lạc Cựu chiến binh Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh, từ năm 1959 đến 1971, làng nghề Trung Kiên đóng 6 tàu không số có trọng tải 30 tấn bàn giao cho Tập đoàn đánh cá Sông Gianh (Tiểu đoàn 603 ngụy trang).

Giúp ngư dân vươn khơi, bám biển

Năm 2003, từ chỗ làm tàu manh mún theo từng hộ gia đình nhỏ lẻ, HTX Trung Kiên được thành lập. Hàng năm, HTX đóng được 80 đến 100 chiếc tàu các loại, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Tàu thuyền gỗ do thợ làng Trung Kiên đóng đã được nhà nước công nhận, một số mẫu được ngư dân ưu chuộng. Những con tàu được sản xuất ở đây rất chắc chắn, đảm bảo về kỹ thuật, phục vụ ngư dân đánh bắt hiệu quả ở các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa. Không chỉ được sự tin yêu từ ngư dân tại địa phương, khách hàng từ các tỉnh Quảng Ninh, Móng Cái, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Vũng Tàu… cũng thường xuyên tìm về đây để đặt hàng.

 Những người thợ đang sơn tàu.

Những người thợ đang sơn tàu.

Năm 2014, làng Trung Kiên được vinh danh là 1 trong 6 “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Trong cơ chế thị trường cạnh tranh như hiện nay, những đơn hàng được đặt liên tiếp trong Nam ngoài Bắc đã khẳng định được “thương hiệu” đóng tàu của làng Trung Kiên.

Tuy nhiên, làng nghề cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để đóng tàu; chất lượng nhân công lành nghề còn hạn chế. “Hiện tại chưa có một trường nghề nào đào tạo đóng tàu vỏ gỗ; thợ đóng tàu trong làng chủ yếu được truyền dạy từ cha ông, rồi tự học hỏi để nâng cao tay nghề là chính”, anh Nguyễn Gia Quang, một chủ xưởng đóng tàu của HTX đóng tàu Trung Kiên tâm sự.

Trước những mặt khó khăn mà làng nghề Trung Kiên phải đối mặt, để phát triển làng nghề, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho biết, xã đã có nhiều biện pháp tích cực trong đào tạo nhân lực trẻ, có trình độ cao; tập trung cải tạo luồng lạch, xây dựng đường giao thông để thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất…

Trải qua hơn 700 năm hình thành và phát triển, với biết bao thăng trầm của lịch sử, những người thợ làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên vẫn kiên trì với nghề truyền thống của cha ông để lại. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, những con thuyền mang thương hiệu Trung Kiên tiếp tục được hạ thủy, giúp bà con ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: PHÙNG TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dong-hanh-cung-ngu-dan-vuon-khoi-bam-bien-587361