Đóng góp tích cực vào mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ

Sáng 18/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự cuộc ăn sáng làm việc với Hội đồng Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC) Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo và các thành viên Hội đồng Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo và các thành viên Hội đồng Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC).

FEC là tổ chức xã hội uy tín, hiện có hơn 1.000 thành viên là các tổ chức, cá nhân đại diện cho các giới trong xã hội Nhật Bản, trong đó có nhiều lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. FEC hằng năm đều tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch FEC Ken Matsuzawa cho rằng, ngày nay, hai nước đã trở thành đối tác quan trọng nhất của nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, học hỏi lẫn nhau, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á. Ông tin tưởng chuyến công tác Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn thành công tốt đẹp, đóng góp vào việc củng cố quan hệ Nhật Bản-Việt Nam ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả.

Các thành viên FEC phát biểu ý kiến bày tỏ đánh giá cao vai trò, vị thế cũng như triển vọng kinh tế tươi sáng của Việt Nam; đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; cho biết nhiều thành viên là doanh nghiệp đã và đang tích cực có các hoạt động đầu tư, thương mại với Việt Nam; qua đó mong muốn đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển, thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Nhật Bản.

Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC) Ken Matsuzawa phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc.

Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến ngoại giao nhân dân (FEC) Ken Matsuzawa phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 50 năm qua, từ quan hệ bình thường, phát triển lên quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, và tháng 11 vừa qua, hai nước đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong tiến trình, FEC đã làm được rất nhiều việc, đóng góp tích cực, góp phần tô thắm, làm sâu sắc cho quan hệ hai nước, đem lại lợi ích cho nhân dân Việt Nam và Nhật Bản, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Thủ tướng khái quát 6 cái hơn trong quan hệ hai nước cho đến nay: đó là, có tình cảm sâu sắc hơn; cảm nhận sự chân thành rõ hơn trong quan hệ hai nước; sự tin cậy cao hơn; hiệu quả và thực chất hơn; hợp tác ngày càng được mở rộng về phạm vi và quy mô lớn hơn; chúng ta ngày hiểu nhau và yêu quý nhau hơn.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn nhân dân Nhật Bản, cảm ơn FEC luôn ủng hộ, đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, chúng ta phải tuyên truyền cho thế hệ trẻ phải giữ gìn và phát huy những tài sản vô giá của 2 dân tộc; tiếp tục phát huy những cái đã làm được, rút kinh nghiệm những cái chưa làm được; cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thành các chương trình, dự án, đề án ra hiệu quả cụ thể, nâng cao độ tin cậy, tình cảm, nâng cao quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Thủ tướng mong lãnh đạo FEC, doanh nghiệp và nhân dân Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó FEC hỗ trợ Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược này, cụ thể là kêu gọi vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, ưu đãi hơn; chuyển giao công nghệ cao cho Việt Nam; góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác lao động, một trong các yếu tố hợp tác then chốt giữa hai bên; khoa học quản lý tiên tiến; góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách sát tình hình Việt Nam, sát cơ chế thị trường, phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Điều này có lợi cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đem lại lợi ích vật chất và tinh thần cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-gop-tich-cuc-vao-moi-quan-he-viet-nam-nhat-ban-phat-trien-manh-me-post788016.html