Đối tượng nào, hình thức ấy

Với phương châm 'đối tượng nào, hình thức ấy', nội dung tuyên truyền pháp luật gắn với đời sống người dân; hình thức tuyên truyền phong phú và đa dạng; lực lượng quân đội trên địa bàn huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027' (Đề án 1371), bước đầu tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.

Lực lượng vũ trang quân đội tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh

Lực lượng vũ trang quân đội tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh

Dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp

Những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Sốp Cộp (Sơn La) cơ bản được giữ vững, tuy nhiên, còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng truyền học đạo, vượt biên trái phép, buôn bán, vận chuyển ma túy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL còn gặp nhiều khó khăn do yếu tố khách quan về địa bàn, đối tượng; đội ngũ làm công tác tuyên truyền PBGDPL còn nhiều hạn chế.

Trước thực tế đó, với vai trò là cơ quan thường trực, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Sốp Cộp đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, với nhiều hình thức phong phú. Đồng thời, nghiên cứu, biên soạn đề cương tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số, với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của các đối tượng; in tờ rơi, tờ gấp pháp luật với hình ảnh minh họa, để phát cho nhân dân tại các buổi họp bản.

 Lực lượng quân đội tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh. Ảnh: Trung Văn

Lực lượng quân đội tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại bản Khá Nghịu, xã Púng Bánh. Ảnh: Trung Văn

Đặc biệt, Ban CHQS huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các video, clip, file trình chiếu có liên quan đến lĩnh vực tuyên truyền, PBGDPL đăng tải trên hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử huyện và các trang mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với Phòng Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên huyện thành lập, ra mắt các mô hình tuyên truyền pháp luật tại các xã, với các chuyên đề Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Dân quân tự vệ... Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến, vận động trực tiếp kết hợp lồng ghép chương trình văn hóa, văn nghệ, phát tờ rơi, trưng bày sách báo... để tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong 3 năm thực hiện Đề án 1371, Ban CHQS huyện đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện xây dựng 2 phóng sự, 3 file âm thanh tuyên truyền; tổ chức xem video, hình ảnh trực quan sinh động và phát trên loa truyền thanh của xã, bản; giúp người dân biết cách đề phòng trước những thông tin sai sự thật, từ đó, không vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.

Từ năm 2021 đến nay, các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 1371 huyện đã phối hợp, tổ chức được 8 buổi tuyên truyền tập trung và hàng trăm cuộc tuyên truyền lồng ghép, tuyên truyền miệng tại cơ sở. Nội dung tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa... Đồng thời, treo 8 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” tại các xã; xây dựng 24 bảng pano tuyên truyền tại các xã Mường Lèo, Mường Lạn, Sam Kha.

Nâng chất lượng đội ngũ báo cáo viên

Nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền Đề án 1371, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 huyện đã rà soát, nắm chắc tình hình số lượng, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cũng như đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên pháp luật và người có uy tín ở cơ sở.

Từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền pháp luật tại cơ sở với hơn 300 lượt người; phân công cán bộ tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức, nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cơ bản về pháp luật.

Các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý", "Mỗi tuần học một điều luật", "Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án". Hệ thống tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các đơn vị thường xuyên được củng cố, bổ sung, với nhiều tài liệu và sách pháp luật phù hợp với từng đối tượng. Trong 3 năm thực hiện Đề án 1371, hơn 900 lượt cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội trên địa bàn huyện Sốp Cộp tham gia tuyên truyền pháp luật tại các xã; tỷ lệ vi phạm pháp luật tại cơ sở 7 tháng năm 2024 giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Với phương châm “đối tượng nào, hình thức ấy”, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biên giới, các Hiệp ước, Hiệp định và các thỏa thuận quốc tế về biên giới, Luật Biên giới quốc gia; nhất là công tác phòng chống tội phạm buôn lậu, ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép và quản lý đường biên, cột mốc... Thông qua tuyên truyền PBGDPL, giúp nhân dân khu vực biên giới hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.

Mặt khác, các đồn biên phòng trên địa bàn đã triển khai nội dung tuyên truyền pháp luật gắn với đời sống nhân dân khu vực biên giới. Trong đó, tập trung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép và quản lý đường biên, cột mốc... Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập, củng cố và kiện toàn 101 tổ hòa giải, 17 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, trong 3 năm thực hiện Đề án 1371.

Nhiều năm trở lại đây, cán bộ, bộ đội đến thăm hỏi, tuyên truyền, người dân tại huyện Sốp Cộp dần có nhận thức hơn về những hành vi của mình và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Những buổi tuyên truyền, PBGDPL đã giúp người dân nắm được thêm những kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2023, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; hiểu thêm các quy định pháp luật mới ban hành, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, lực lượng quân đội nhân dân và các cơ quan liên quan trong đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động. Qua đó, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết trong Nhân dân, phòng ngừa vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới.

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-tuong-nao-hinh-thuc-ay-post390008.html