Xung đột Nga-Ukraine: Lộ 'lá bài' Moscow chưa dùng đến, phương Tây đang phớt lờ 'lằn ranh đỏ', ai sẽ phải trả giá cao hơn?
Nếu thử hạt nhân là một 'lằn ranh đỏ' mà Moscow đặt ra trong trường hợp Ukraine được phép sử dụng tên lửa tầm xa do đồng minh viện trợ để tấn công Nga thì phương Tây có dám bước qua hay không? Ai sẽ phải trả giá cao hơn trong cuộc 'đấu trí' cân não này?
Thông điệp hạt nhân
Ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, phương Tây sẽ trực tiếp đối đầu với Moscow nếu cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công xứ bạch dương, điều này sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột.
Nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ có phản ứng “thích hợp” nhưng không nói rõ phản ứng đó sẽ bao gồm những gì. Tuy nhiên, vào tháng 6/2024, ông Putin đã nói về phương án trang bị vũ khí cho các đối thủ của phương Tây để tấn công các mục tiêu phương Tây ở nước ngoài và triển khai tên lửa thông thường trong phạm vi có thể tấn công Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga thì Moscow sẽ ứng xử như thế nào? Đó là câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra, đồng thời dự đoán một số kịch bản.
Ông Ulrich Kühn, chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và chính sách an ninh ở Hamburg (Đức) nhận định, không loại trừ khả năng Tổng thống Putin sẽ gửi một số thông điệp hạt nhân - ví dụ như thử vũ khí hạt nhân trong nỗ lực đe dọa phương Tây.
"Ngoài việc sử dụng hạt nhân thì ông Putin còn có lá bài nào nữa nếu phương Tây vẫn tiếp tục hỗ trợ Kiev?”, chuyên gia Ulrich Kühn đặt câu hỏi.
Nga đã không tiến hành thử vũ khí hạt nhân kể từ năm 1990, một năm trước khi Liên Xô sụp đổ. Theo chuyên gia Ulrich Kühn, thử hạt nhân sẽ là điều mới mẻ và là một kịch bản không thể loại trừ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Gerhard Mangott, chuyên gia an ninh tại Đại học Innsbruck ở Áo, cho biết ông cũng không loại trừ việc Tổng thống Putin sẽ thử hạt nhân.
Ông Gerhard Mangott nói: “Moscow có thể tiến hành thử hạt nhân. Họ đã thực hiện mọi sự chuẩn bị cần thiết”.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia đã nói tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 13/9 rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ “trực tiếp tham gia các hành động thù địch chống lại một cường quốc hạt nhân” nếu họ cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa hơn chống lại Moscow.
Ông Nebenzia nhấn mạnh: “Mọi người không nên quên điều này và hãy nghĩ đến hậu quả”.
Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đang trong quá trình điều chỉnh về những tình huống mà nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mạnh tay với Anh, leo thang xung đột
Một hướng tiếp cận khác mà Moscow có thể thúc đẩy là sẽ đe dọa Anh. London đang có xu hướng ủng hộ Kiev sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow để tấn công các mục tiêu ở Nga.
Cựu Cố vấn Điện Kremlin Sergei Markov ngày 13/9 nhận định, Nga có khả năng đóng cửa Đại sứ quán Anh tại Moscow và Đại sứ quán Nga tại London, tấn công thiết bị bay không người lái và máy bay chiến đấu của Anh gần Nga, ví dụ như trên Biển Đen, và có thể bắn tên lửa vào máy bay chiến đấu F-16 mang tên lửa Storm Shadow tại các căn cứ của họ ở Romania và Ba Lan.
Trước đây, Tổng thống Putin đã không vạch ra ranh giới đỏ cho phương Tây. Nhưng lời cảnh báo mới nhất của ông về tên lửa tầm xa đang được cả trong và ngoài nước Nga coi là điều ông sẽ phải hành động nếu London hoặc Washington cho phép tên lửa của họ được sử dụng chống lại Moscow.
Chuyên gia Ulrich Kühn cũng nhận định thêm rằng, ngoài việc đe dọa hạt nhân hoặc tấn công vào tài sản của Anh, những phản ứng dễ đoán hơn có thể bao gồm việc Nga tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.
Lời Tổng thống Putin có "đáng giá"?
Theo chuyên gia Mangott, mối nguy hiểm đối với phương Tây là họ không biết đâu thực sự là "ranh giới đỏ" của Tổng thống Putin.
Hiện nay, cả Mỹ và Anh dường như đang phớt lờ những cảnh báo của Tổng thống Putin. Ngày 13/9 tại Washington, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm về việc có nên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ hay tên lửa Storm Shadow của Anh để nhắm vào các mục tiêu ở Nga hay không.
Dường như London đang tìm kiếm sự chấp thuận của Washington nhằm cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow của Anh để mở rộng các cuộc tấn công vào Nga.
Sự chấp thuận của Tổng thống Biden có thể là cần thiết vì các thành phần của Storm Shadow được sản xuất tại Mỹ. Ông Starmer cho biết, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục khi các nhà lãnh đạo toàn cầu quy tụ tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng này.
Phát biểu với các nhà báo trước cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Starmer, Tổng thống Biden nói muốn làm rõ rằng ông Putin sẽ không "thắng thế" trong cuộc xung đột này.
Và khi được hỏi nghĩ gì về lời cảnh báo của Tổng thống Putin, ông Biden trả lời: “Tôi không nghĩ nhiều về ông ấy”.
Cùng ngày 13/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh rằng, các quyết định về việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine hiện nay rất phức tạp.
Trong khi đó, Trung tá Charlie Dietz, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, cho biết, tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS sẽ không phải là câu trả lời cho mối đe dọa chính mà Kiev phải đối mặt từ bom lượn tầm xa của Nga, được bắn từ khoảng cách hơn 300 km (185 dặm), ngoài tầm với của ATACMS.