Đối phó với cảm lạnh
Cảm lạnh là bệnh thường gặp do thay đổi thời tiết khi nóng - lạnh đột ngột. Trong thời điểm giao mùa nóng lạnh thất thường kèm mưa, bệnh cảm lạnh chủ yếu là do chủ quan vì những hạt mưa bụi lất phất tuy không đủ làm ướt nhưng cũng rất dễ gây cảm lạnh.
Dấu hiệu nhận biết cảm lạnh
Triệu chứng cảm lạnh biểu hiện rõ nhất với các dấu hiệu như:
- Người bệnh thấy sưng họng, ho, ngạt mũi, hắt xì.
- Cảm giác đau đầu, sốt nhẹ.
- Người mệt mỏi, đau nhức cơ…
Thông thường bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 5 - 7 ngày nếu được bồi bổ, giữ ấm và chăm sóc đúng. Không có loại thuốc nào chữa khỏi cảm lạnh mà hiện giờ thuốc chỉ có tác dụng làm giảm một vài triệu chứng: nhức mỏi cơ, đau đầu, sốt…
Có thể dùng thuốc trị ngạt mũi để giảm bớt tình trạng khó chịu. Tuy nhiên, không dùng thuốc ngạt mũi trong thời gian kéo dài, đặc biệt với trẻ em. Đặc biệt dùng thuốc thế nào? Liều lượng ra sao phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Bị cảm lạnh khi nào cần đến khám bác sĩ?
Khi thấy bệnh nhân có các biểu hiện sau cần đi khám bác sĩ:
- Sốt cao liên tục: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm khác.
- Đau họng khi nuốt, họng có thể đau khi bị cảm lạnh hoặc cúm khiến người bệnh không thoải mái khi nuốt. Tuy nhiên khi thấy đau nặng hơn nghĩa là họng có thể bị viêm.
- Ho liên tục. Khi cơn ho không thuyên giảm sau 2 hoặc 3 tuần thì người bệnh có thể bị viêm tiểu phế quản và cần thuốc kháng sinh để điều trị.
- Đau đầu và tắc mũi không khỏi: Nếu bị đau quanh mắt và mặt, tiếp tục chảy nước mũi sau một tuần thì có thể bị biến chứng viêm xoang.
Trong một số trường hợp bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay:
- Với người lớn đó là khi có các biểu hiện như: đau ngực, đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, liên tục nôn.
-Với trẻ nhỏ: Cần lưu ý khi trẻ khó thở hoặc thở nhanh, da chuyển màu hơi tái, không uống đủ nước, không tương tác bình thường, quấy khóc, khó chịu, các triệu chứng được cải thiện sau đó đột nhiên xấu đi, sốt kèm theo nổi ban.
Cảm lạnh có nguy hiểm, có biến chứng không?
Mặc dù bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên một số trường hợp nhất định có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời:
- Làm kích hoạt các cơn hen suyễn: đối với những người bị hen suyễn.
- Viêm tai giữa: virus hoặc vi khuẩn có thể xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ, dẫn đến các triệu chứng như đau nhức tai, dịch mũi tiết ra có màu xanh hoặc vàng...
- Viêm xoang cấp tính: nếu cảm lạnh không được xử lý có thể dẫn đến viêm và nhiễm trùng xoang ở cả trẻ em và người lớn.
- Có thể gây nhiễm trùng thứ cấp: viêm họng liên cầu khuẩn, viêm phổi, viêm phế quản….
Xử trí khi bị cảm lạnh
Khi phát hiện người bị cảm lạnh, cần :
- Đưa ngay bệnh nhân vào chỗ ấm để làm ấm cơ thể. Đưa bệnh nhân vào nơi không có gió lùa, thoáng khí, đắp chăn chống lạnh, xoa dầu nóng khắp người, trong trường hợp lạnh quá có khi còn phải đốt lửa để sưởi ấm.
- Có thể nhanh chóng lấy củ gừng tươi cạo sạch vỏ, giã nát, vắt lấy nước hòa nước sôi và ít đường cho uống nóng.
- Lấy bã gừng xào với rượu mạnh xoa khắp người rồi đắp chăn chống lạnh,
- Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp thường xuyên. Khi thấy môi hồng, người nóng lên là khỏi.
- Ngoài ra, có thể uống nước ấm thường xuyên từng ngụm nhỏ có thể giúp chất nhầy trong mũi nhiều hơn và giảm nghẹt mũi.
- Có thể cho bệnh nhân ăn cháo hành tía tô nóng để giải cảm hoặc ăn súp gà có tác dụng giải cảm và giảm tắc nghẽn mũi.
Phòng tránh cảm lạnh
Để phòng cảm lạnh, cần:
- Giữ ấm cơ thể, nhất là khi đi ra đường; Khi bị dính nước mưa, cần nhanh chóng lau khô người, tóc và mặc quần áo ấm.
- Vào mùa này thường rất hay có mưa bụi, nên dự phòng cho mình áo mưa để tránh tình trạng nước mưa ngấm vào quần áo gây cảm lạnh.
- Để phòng nguy cơ bị cảm lạnh, hãy làm một cốc trà gừng nóng ngay khi vào nhà.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng, nhất là sau khi hỉ mũi.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị cảm lạnh.
- Nên giữ ấm cơ thể, tránh ngâm mình lâu trong nước.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/doi-pho-voi-cam-lanh-169230221113845023.htm