Đổi mới gắn nhà trường với đơn vị

Trước yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, những năm qua, Trường Sĩ quan Phòng hóa từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa nội dung, chương trình, quy trình đào tạo, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới theo hướng 'tinh giản, hiện đại, thiết thực' gắn nhà trường với đơn vị.

Bám sát nhu cầu thực tế đơn vị

Dù đang bận nhưng Đại tá Hoàng Văn Hoán, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng hóa vẫn dành cho chúng tôi buổi trò chuyện. Vừa trở về từ thao trường kiểm tra bộ đội huấn luyện, Đại tá Hoàng Văn Hoán chia sẻ: “Trong điều kiện hiện nay, những sự cố có liên quan đến hóa chất, độc xạ, ô nhiễm môi trường do cháy nổ, dịch bệnh… có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi thế việc huấn luyện những nội dung này sát với tình hình thực tế là rất cần thiết. Đây cũng là yêu cầu đối với công tác giáo dục đào tạo ở nhà trường phải sát với khả năng sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị”.

 Giảng viên hướng dẫn bộ đội thực hành động tác đo phóng xạ cho đối tượng nhiễm.

Giảng viên hướng dẫn bộ đội thực hành động tác đo phóng xạ cho đối tượng nhiễm.

Gần ba mươi năm gắn bó với công tác giáo dục đào tạo ở Trường sĩ quan Phòng hóa, Đại tá Hoàng Văn Hoán cho rằng: Nhà trường và đơn vị có mối quan hệ chặt chẽ; đơn vị không chỉ là nơi sử dụng sản phẩm do nhà trường đào tạo, mà còn là nơi kiểm nghiệm, phản hồi chất lượng giáo dục đào tạo một cách khách quan, toàn diện và chính xác nhất. Do đó, những năm qua, Trường Sĩ quan Phòng hóa thường xuyên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị phòng hóa trong toàn quân, để nắm nhu cầu của đơn vị, đồng thời đánh giá đúng thực trạng chất lượng học viên sau ra trường. Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng đổi mới chương trình, nội dung giáo dục đào tạo với đổi mới phương pháp dạy, học. Tập trung đổi mới, bổ sung những nội dung mà học viên mới tốt nghiệp ra trường còn thiếu, yếu.

Lật giở từng trang sổ nhật ký, Đại tá Hoàng Văn Hoán cho biết thêm, qua 6 lần Nhà trường tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng học viên, nhân viên ra trường và bằng kinh nghiệm thực tế nhiều năm đưa học viên đi thực tập ở các đơn vị, đồng chí nhận thấy: Về cơ bản học viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của đơn vị, nhiều đồng chí thích ứng nhanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, năng lực thực hành, “kỹ năng mềm” và khả năng huấn luyện, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới của một số học viên sau khi ra trường còn hạn chế.

 Đại tá Hoàng Văn Hoán, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng hóa kiểm tra bộ đội động tác thực hành sử dụng khí tài đề phòng cá nhân.

Đại tá Hoàng Văn Hoán, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng hóa kiểm tra bộ đội động tác thực hành sử dụng khí tài đề phòng cá nhân.

Thực tế này đã được Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường bàn bạc, tìm giải pháp khắc phục. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị phòng hóa và phân tích đánh giá thực tế, Nhà trường đã tập trung đổi mới chương trình, nội dung giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, cắt giảm nội dung trùng lặp, giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh; kết hợp huấn luyện với rèn luyện “kỹ năng mềm” thông qua các hoạt động ngoại khóa, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Đồng thời, chú trọng đổi mới tổ chức phương pháp giảng dạy của giảng viên, tích cực xoay vòng, đổi tập để học viên được tiếp xúc nhiều lần với vũ khí, trang bị, khí tài.

Cùng với đó, Nhà trường tổ chức tốt việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm thực tiễn, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, kinh nghiệm chỉ huy, quản lý để lồng ghép trong từng bài giảng nhằm truyền thụ tới học viên. Chủ động mời những đồng chí cán bộ đã tham gia chiến đấu, đã và đang giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phòng hóa trong toàn quân về nói chuyện chuyên đề cho cán bộ, giảng viên, học viên. Tham gia, tham quan nhiều cuộc diễn tập do Binh chủng và Bộ Quốc phòng tổ chức, nhất là diễn tập của các đơn vị trực thuộc Binh chủng và các đơn vị phòng hóa toàn quân.

Chuẩn hóa chương trình, đặt yêu cầu cao đối với cán bộ

Trao đổi về nhiệm vụ đào tạo, Đại tá Hoàng Văn Hoán cho biết, Trường Sĩ quan Phòng hóa là cơ sở đào tạo đa ngành, chuyên sâu về kỹ, chiến thuật phòng hóa, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nhân viên hóa học từ trình độ sơ cấp đến đại học và tiểu đội trưởng hóa học. Ngoài đào tạo nhân lực cho Quân đội, Nhà trường còn liên kết đào tạo kỹ sư phòng hóa cho Học viện Kỹ thuật quân sự, đào tạo cán bộ chỉ huy kỹ thuật hóa học trình độ đại học cho Bộ Công an, Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Những năm qua, Nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị phòng hóa trong toàn quân, nhất là với các lữ đoàn phòng hóa của Binh chủng Hóa học, Khoa Hóa học của Học viện Quốc phòng, Học viên Lục quân để triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài liệu huấn luyện, giáo trình dạy học đảm bảo sát với yêu cầu thực tiễn.

Nhà trường đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị phòng hóa, các cơ sở nghiên cứu trong trong và ngoài Binh chủng Hóa học để triển khai thực hiện đề tài độc lập cấp Bộ Quốc phòng: Bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong tác chiến phòng thủ chiến lược; chú trọng cử cán bộ đến các cơ quan như Cục Kỹ thuật, Phòng Quân huấn, Phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Binh chủng Hóa học để thu thập tài liệu, thông tin về các trang bị kỹ thuật mới, xin ý kiến đóng góp đối với các bản thảo tài liệu huấn luyện.

Giảng viên hướng dẫn bộ đội động tác thực hành tiêu tẩy.

Giảng viên hướng dẫn bộ đội động tác thực hành tiêu tẩy.

Đưa cho chúng tôi xem một số cuốn giáo trình, tài liệu do Nhà trường biên soạn, Đại tá Hoàng Văn Hoán cho biết, ngoài việc nghiên cứu hệ thống tư liệu có sẵn, Nhà trường còn chủ động phối hợp với Lữ đoàn Phòng hóa 86, 87, 88, Viện Hóa học Môi trường quân sự Binh chủng Hóa học để cử cán bộ, giảng viên đến trực tiếp sử dụng trang bị kỹ thuật mới mà Nhà trường chưa được biên chế, trao đổi và thống nhất các nội dung biên soạn tài liệu huấn luyện, tập trung thống nhất thứ tự các bước sử dụng, làm cơ sở phục vụ cho hoàn thiện công tác nghiên cứu biên soạn và nghiệm thu.

Bên cạnh đó, Nhà trường đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý trong hướng dẫn, giúp đỡ học viên củng cố kiến thức, hình thành phương pháp, tác phong chỉ huy, hoàn thiện nhân cách người cán bộ. Trong điều kiện mới, Nhà trường chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, quản trị hiện đại cho cán bộ quản lý ở các cấp, cũng như năng lực tổ chức xây dựng và thực hiện quy trình, chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên trực tiếp tham gia biên soạn chương trình đào tạo. Chủ động đề xuất với cấp trên hoàn thiện cơ chế chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác chỉ huy, quản lý đang công tác tại đơn vị về làm giảng viên tại Nhà trường.

Nhà trường tích cực thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo, gắn với xây dựng mô hình nhà trường thông minh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học; ưu tiên xây dựng các phòng học mô phỏng, phòng thí nghiệm chuyên dùng, hệ thống thư viện điện tử, kết nối internet với phương tiện, công nghệ hiện đại. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho cán bộ, giảng viên về khả năng sử dụng phương tiện, mô hình học cụ, vũ khí, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo quy trình, chương trình đào tạo mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PHÙNG NHƯ HẢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-gan-nha-truong-voi-don-vi-801358