Đổi mới đào tạo chuẩn bị cho mô hình hải quan số

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đưa Hải quan Việt Nam phát triển theo mô hình Hải quan số là một trong 19 mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hải quan là công tác được ngành Hải quan chú trọng từ nhiều năm qua.

Công chức sau khi tham gia các khóa đào tạo sẽ ứng dụng tốt hơn vào thực tế công tác và quá trình chuyển đổi số. Ảnh: Hồng Mến.

Công chức sau khi tham gia các khóa đào tạo sẽ ứng dụng tốt hơn vào thực tế công tác và quá trình chuyển đổi số. Ảnh: Hồng Mến.

Tiếp cận kiến thức từ thực tế

Là đơn vị đào tạo nghiệp vụ hải quan duy nhất của ngành, từ năm 2021 đến nay, Trường Hải quan Việt Nam (Tổng cục Hải quan) đã và đang đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn bị cho mô hình hải quan số, hải quan thông minh. 5 năm qua, trường đã đào tạo cho trên 6.000 lượt công chức, viên chức hải quan góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của ngành hải quan.

Chương trình đào tạo phong phú, bám sát thực tiễn

Năm 2018, Trường Hải quan Việt Nam chỉ có năng lực đào tạo, bồi dưỡng cho trên 2000 học viên thì đến năm 2023 số lượng học viên đã tăng gấp hơn 3 lần. Thiết kế chương trình đào tạo ngày càng phong phú và bám sát đòi hỏi của thực tiễn. Năm 2024, Trường được giao mở 7 lớp tập huấn chuyển đổi số cho lãnh đạo, công chức toàn ngành.

Với phương châm, trụ cột của mô hình hải quan số, hải quan thông minh chính là công nghệ thông tin, Trường Hải quan Việt Nam đã tập trung vào đào tạo các kiến thức, kỹ năng tin học để học viên làm chủ hệ thống công nghệ thông tin của ngành, phục vụ tốt nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Từ năm 2023, trường đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) xây dựng chương trình đào tạo Kỹ năng làm việc trong môi trường số, chuyển đổi số của ngành Hải quan. Chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi, phân tích dữ liệu.

Giảng viên được lựa chọn là các chuyên gia chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế và hải quan; cung cấp những kiến thức chuyên sâu gắn với thực tiễn và được thù của ngành hải quan. Anh Nguyễn Văn Nam – công chức Cục Hải quan Bắc Ninh, chia sẻ: Trước khi vào ngành, anh đã được học công nghệ thông tin trong đại học nhưng đó chỉ là lý thuyết nền móng.

Tham gia khóa học tại Trường Hải quan Việt Nam, anh được tiếp thu thêm các kỹ năng về an toàn thông tin, cách triển khai hệ thống mạng máy bảo mật, kiến thức và kỹ năng khai thác cơ sở dữ liệu. Khóa học đã giúp các học viên tiếp cận kiến thức thực hành bằng các ví dụ thực tế.

Khi học tại trường, học viên được học cả lý thuyết và thực hành 1:1 trên máy tính cùng các giảng viên là chuyên gia cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sau khóa học, học viên được trang bị những kỹ năng làm việc cơ bản, cần thiết trong môi trường số, chuyển đổi số góp phần đào tạo đội ngũ hải quan liêm chính, chính quy.

Sau này, khi Hải quan Việt Nam xây dựng thành công hải quan số, trường sẽ đào tạo theo mô hình hải quan giả lập trong đó có các cấu phần phần mềm của ngành Hải quan. Như vậy, học viên sẽ được thực hành tình huống trên máy tính và khi được bố trí vào mỗi vị trí khác nhau sẽ không bỡ ngỡ trong công việc.

Người biết đào tạo cho người chưa biết

Theo TS. Nguyễn Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam, mục tiêu của trường là làm sao để đội ngũ hải quan chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình theo tinh thần “người biết đào tạo cho người chưa biết”, đưa kinh nghiệm thực tế tại các đơn vị hải quan tại địa phương về giảng dạy.

Tới đây, Trường Hải quan Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng triển khai thực hiện quy trình nghiệp vụ hải quan tiên tiến khi cơ quan hải quan ứng dụng các thành tựu của công nghệ vào hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ bổ sung thêm đội ngũ giảng viên, tăng cường đội ngũ giảng viên tại các đơn vị hải quan tham gia vào công tác giảng dạy sẽ được quan tâm nhiều hơn song hành với việc tích cực mở rộng; phối hợp với các cơ sở, đơn vị ngoài ngành triển khai kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công chức, viên chức trong toàn ngành.

Ở phía ngược lại, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các vụ, cục trong toàn ngành phối hợp với Trường Hải quan Việt Nam hơn nữa trong thực hiện công tác đào tạo, xây dựng giáo trình, kế hoạch giảng dạy… đảm bảo định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu đủ năng lực triển khai mô hình quản lý hải quan hiện đại.

Đặc biệt, tổng cục yêu cầu các cán bộ công chức, viên chức dành nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, thực hiện trách nhiệm của mình nhằm triển khai các nhiệm vụ của ngành Hải quan đạt kết quả cao và đưa Hải quan Việt Nam ngày càng phát triển.

Có thể nói, ứng dụng các công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng 4.0 để đưa đào tạo trực tuyến vào chương trình giảng dạy sẽ tiếp tục là xu hướng trọng tâm nhiều năm tới của trường. Mặt khác, việc kết hợp đào tạo trong nước với đào tạo ngoài nước bằng nhiều hình thức và nguồn lực khác nhau sẽ là lộ trình để nhà trường hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo vùng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hải quan thế giới./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doi-moi-dao-tao-chuan-bi-cho-mo-hinh-hai-quan-so-150777-150777.html