Đối đầu với Mỹ thúc đẩy chính sách năng lượng của Nga và Trung Quốc như thế nào?
Thời gian gần đây, hợp tác Nga - Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng không ngừng được tăng cường, thúc đẩy. Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy xu hướng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là sự đối đầu căng thẳng với Mỹ.
Củng cố và mở rộng các hành lang khí đốt
Cuộc đối đầu địa chính trị căng thẳng giữa các nước thành viên G7 với Nga và Trung Quốc đã dẫn tới sự hợp tác năng lượng ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Bắc Kinh. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, các công ty dầu mỏ của Nga đã nhanh chóng chuyển hướng sang châu Á, trong đó chủ yếu nhắm tới thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Không giống như các công ty dầu mỏ khác, đối với Gazprom, vấn đề chuyển nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sang các thị trường mới gặp nhiều khó khăn hơn do thiếu hụt về cơ sở hạ tầng bảo đảm việc vận chuyển khí đốt xuất khẩu sang phía Đông. Khi mà Liên minh Châu Âu (EU) đang nỗ lực từ bỏ hoàn toàn nguồn cung năng lượng từ Nga vào năm 2027, chính quyền Nga tích cực tìm kiếm thị trường thay thế cho nguồn khí đốt tự nhiên xuất khẩu và có kế hoạch xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt mới để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, đó là: Sức mạnh Siberia-2 và Sức mạnh Siberia-3.
Bên cạnh đó, Nga nỗ lực thúc đẩy “liên minh khí đốt” với Kazakhstan và Uzbekistan, một ý tưởng được Tổng thống Putin đề xuất vào năm 2022. Theo giới phân tích cho rằng, việc thành lập liên minh khí đốt ba bên giữa Moscow, Astana và Tashkent sẽ giúp Nga, đặc biệt là Tập đoàn Gazprom giải quyết 2 vấn đề cùng lúc. Đó là việc đưa Gazprom thâm nhập sâu hơn vào thị trường khí đốt tự nhiên ở Trung Á; đồng thời, tạo ra một tuyến xuất khẩu mới cho nguồn cung khí đốt từ Nga quá cảnh qua Trung Á để tới Trung Quốc.
Đối với Bắc Kinh, xu hướng cạnh tranh gay gắt với phương Tây, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đặt ra nhiều vấn đề đối với nước này, nhất là trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Giới phân tích chính trị - quân sự cho rằng, trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh, các tuyến vận tải biển chở dầu và khí hóa lỏng (LNG) do Trung Quốc nhập khẩu có thể gặp khó khăn hoặc bị phong tỏa hoàn toàn. Trong kịch bản này, Trung Quốc, ngoài khả năng tự cung trong nước (thông qua việc sử dụng than và các nguồn năng lượng tái tạo), còn có thể dựa vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga, các nước Trung Á, và ở một mức độ nào đó là Myanmar thông qua các đường ống dẫn khí trên đất liền.
Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh cố gắng bảo đảm an ninh năng lượng bằng cách đa dạng hóa nhập khẩu hydrocarbon. Tuy nhiên, ngày nay tất cả các nhà cung cấp khí đốt thông qua đường ống dẫn chính sang Trung Quốc đều phải đối mặt với những thách thức nhất định. Gazprom đang tích cực tăng cường cung cấp khí đốt thông qua đường ống Sức mạnh Siberia-1 cho Trung Quốc: đến cuối năm 2023, khối lượng xuất khẩu đạt 22,7 tỷ m3, cao gấp rưỡi so với năm 2022. Tuy nhiên, mặc dù đang là những bạn hàng quen thuộc của nhau, song Moscow và Bắc Kinh hiện vẫn chưa thống nhất được các thông số cuối cùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt mới Sức mạnh Siberia-2 và công thức tính giá khí đốt của Nga đi dọc tuyến đường này.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và xu hướng một vài năm tới, Nga sẽ tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt quan trọng, giúp Trung Quốc bảo đảm an ninh năng lượng trong nước. Cơ sở cho nhận định này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Trước hết, Trung Quốc kỳ vọng vào nhánh thứ tư của đường ống dẫn khí Trung Á- Trung Quốc, song hiện nay Turkmenistan vẫn chưa phát triển cơ sở tài nguyên để tăng nguồn cung cấp cho Trung Quốc thông qua nhánh này. Công ty Petrofac của UAE đã ký hợp đồng 3 năm cung cấp dịch vụ cho các cơ sở tại mỏ khí đốt Galkynysh ở Turkmenistan; các công ty từ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang tham gia dự án. Nếu Ashgabat thực hiện kế hoạch tăng cường sản xuất và xuất khẩu khí đốt, nguồn cung này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh chính của khí đốt qua đường ống của Nga tại thị trường Trung Quốc.
Thứ hai, đối với ba quốc gia xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc - Myanmar, Uzbekistan và Kazakhstan - việc thiếu khí đốt trên thị trường nội địa đã tạo ra những rủi ro nhất định cho sự ổn định kinh tế, chính trị cũng như kế hoạch cung cấp khí đốt cho Trung Quốc của các nước này.
Một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng xảy ra vào mùa đông năm 2022 - 2023 ở Uzbekistan và Kazakhstan, gây ra sự gián đoạn trong việc cung cấp nhiệt và điện cho người tiêu dùng. Sự thiếu hụt nguồn năng lượng đặc biệt ảnh hưởng đến Uzbekistan vào thời điểm đó do khối lượng sản xuất khí đốt của nước này giảm và nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan bị gián đoạn do ảnh hưởng của thời tiết tiêu cực.
Những thách thức chính đối với Kazakhstan và Uzbekistan, cũng như đối với hầu hết các quốc gia Trung Á, là mức tiêu thụ năng lượng trong nước tăng đáng kể, trong khi cơ sở hạ tầng năng lượng lại xuống cấp nhanh chóng. Theo thỏa thuận, Kazakhstan và Uzbekistan có nghĩa vụ gửi tới 10 tỷ m3 mỗi năm khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế, hai nước này chỉ xuất khẩu tổng cộng không quá 12 tỷ m3 sang Trung Quốc mỗi năm. Trong điều kiện thời tiết lạnh giá, Uzbekistan và Kazakhstan buộc phải cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu năng lượng của chính mình.
Nga chiếm lĩnh thị trường năng lượng Trung Á
Với dự báo tiêu thụ năng lượng trong nước sẽ tiếp tục gia tăng, các nước Trung Á có thể phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng trong tương lai. Một trong những giải pháp cho vấn đề này đối với các nước trong khu vực có thể là tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (RES) và năng lượng hạt nhân trên thị trường nội địa. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, Uzbekistan đang phát triển hợp tác với Rosatom (Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev cho biết vào tháng 11/2023 rằng hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Uzbekistan đang ở giai đoạn cuối). Sự tham gia của phía Nga vào việc phát triển năng lực sản xuất điện hạt nhân ở Kazakhstan cũng đang được thảo luận (vào tháng 12/2023, Rosatom đã đề nghị với Kazakhstan xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có thể đáp ứng tới 20% nhu cầu điện của nước này) và Kyrgyzstan (vào tháng 6/2023, Rosatom thông báo rằng họ có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhỏ đầu tiên ở Kyrgyzstan). Tuy nhiên, các bên hiện vẫn chưa đi đến thống nhất ở một số bước cần thiết để có thể hoàn thành các dự án trên.
Trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, các quốc gia Trung Á đã đạt được những kết quả nhất định. Điều này đặc biệt đúng đối với ngành thủy điện, nơi cung cấp hơn 90% điện năng cho Kyrgyzstan và Tajikistan. Ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang phát triển ở Trung Á (Rosatom tuyên bố vào tháng 2 năm 2024 rằng họ có kế hoạch xây dựng 2 trang trại gió công suất 180 MW ở Kyrgyzstan), nhưng cho đến nay, thị phần của ngành này trong cân bằng năng lượng của các nước trong khu vực vẫn còn rất nhỏ.
Uzbekistan có kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển tiềm năng năng lượng mặt trời và năng lượng gió, khi có ý định xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời công suất 600 MW tại vùng Pap và Fergana, lắp đặt các tấm pin mặt trời có công suất 160 MW và 100 trạm thủy điện nhỏ ở các khu vực Thung lũng Fergana, xây dựng nhà máy điện quang công suất 300 MW ở vùng Kashkadarya, xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng 75 MW, thành lập một công ty riêng để quản lý việc sử dụng năng lượng mặt trời trong các cơ sở thuộc khu vực công...
Tuy nhiên, theo tờ RBC, chuyên gia Shamil Enikeev, Viện Nghiên cứu Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, những kế hoạch trên của Uzbekistan sẽ không đủ để có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề thiết hụt năng lượng trong nước. Hơn nữa, bài học về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào năm 2021 chứng minh có nhiều yếu tố gây nên vấn đề thiếu hụt năng lượng và rủi ro của các nguồn năng lượng tái tạo phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết.
Thách thức chính đối với các quốc gia Trung Á là thu hút đầu tư vào việc tạo ra năng lực mới trong lĩnh vực nguồn năng lượng tái tạo và đổi mới cơ sở hạ tầng năng lượng. Đồng thời, các dự án năng lượng sạch không thể giải quyết những thách thức ngắn hạn và trung hạn liên quan đến mức tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng trong khu vực. Trên thực tế, giờ đây chỉ nhờ ngành công nghiệp khí đốt mới có cơ hội giải quyết tương đối nhanh chóng các vấn đề năng lượng cấp bách ở Trung Á.
Ngày nay, lãnh đạo các nước Trung Á có phần thận trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga do nguy cơ tiềm ẩn từ các biện pháp trừng phạt thứ cấp của phương Tây. Song không thể phủ nhận, việc tăng cường hợp tác năng lượng với Nga có thể giúp Trung Á giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn năng lượng hiện nay và bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực. Với Trung Quốc, nước này quan tâm đến độ tin cậy và ổn định của nguồn cung cấp hydrocarbon từ Trung Á, cũng như bảo đảm an ninh cho các đường ống dẫn khí liên quan. Việc cung cấp khí đốt của Nga cho Uzbekistan và Kazakhstan sẽ cho phép các nước này giải quyết không chỉ vấn đề đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong nước, mà còn duy trì ổn định nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.