Dốc Mây... không còn xa thẳm!
Nhắc đến Dốc Mây, bản nhỏ thuộc xã Trường Sơn (Quảng Ninh), ai cũng hình dung đến quãng đường xa thẳm, nhọc nhằn với bao núi cao, suối sâu. Những ngày đầu tháng 8, xuyên qua tán rừng nguyên sinh xanh mát với những thân cây thẳng tắp, chúng tôi đến với Dốc Mây bằng xe ô tô thay vì cắt rừng lội bộ. Qua rất nhiều dốc cao và những con suối trông hiền lành nhưng là những chiếc 'bẫy ngầm' bởi những tảng đá to ẩn mình bên dưới, vượt dốc Táu, chiếc xe 'quăng quật' thêm vài ki lô mét, Dốc Mây hiện ra thanh bình dưới nắng, trẻ con, người lớn vừa tíu tít, vừa e dè chạy ra đón đoàn.
Ngày mới ở Dốc Mây
Thắc mắc về cái tên rất đẹp của bản nên tôi hỏi một cán bộ địa phương, được biết bản mang tên gọi Dốc Mây có lẽ do nhiều thời gian trong năm, những con dốc dẫn về bản luôn ẩn hiện trong mây. Để đến với Dốc Mây có hai lựa chọn, gồm đường ô tô dài 22km, bắt đầu từ Khe Đen, trong đó có 15km đường đất đỏ với nhiều dốc cao, ngầm tràn, con đường này chỉ có thể đi trong mùa nắng.
Đường thứ hai là cắt rừng đi bộ từ bản Trung Sơn với thời gian khoảng 5-6 giờ đồng hồ, những người không bảo đảm sức khỏe khó có thể vượt qua bởi hành trình rất nhiều khó khăn. Mùa này, ô tô gầm cao và xe máy thường lựa chọn đường từ Khe Đen vào bản trong khoảng thời gian hơn 1 giờ đồng hồ khá thuận lợi.
Khác với hình dung về sự thưa thớt của các bản làng xa ngái, 26 hộ dân bản Dốc Mây sống quần tụ trong một khu vực khá bằng phẳng. Đúng vào dịp Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh tổ chức khám định kỳ, cấp phát thuốc, tiêm vắc-xin cho bà con và phun hóa chất diệt muỗi chống sốt rét nên trung tâm bản rộn ràng tấp nập. Bà con đã quen với hoạt động này nên xếp hàng trật tự chờ bác sĩ siêu âm, thăm khám và cấp phát thuốc.
Chị Hồ Thị Bưởi “khoe” túi thuốc vừa được cấp sau khi bác sĩ kết luận chị bị rối loạn tiền đình; vài bệnh nhân đang chờ đến lượt siêu âm… Bác sĩ Nguyễn Quang Túc, Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh cho biết, đối với các bệnh đơn giản, bà con được y, bác sĩ trung tâm và trạm quân y BĐBP chẩn đoán, cấp thuốc và điều trị, theo dõi qua các đợt thăm khám định kỳ, bệnh phức tạp sẽ được chuyển lên tuyến trên điều trị.
Đồng hành cùng đồng bào bản Dốc Mây là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô cắm bản. Quá trình “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), BĐBP đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống, sản xuất của bà con nơi đây, đưa Dốc Mây gần hơn với trung tâm xã, huyện, dù khoảng cách địa lý vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. BĐBP là điểm tựa vững chắc của đồng bào trong cuộc sống với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Hình ảnh khá quen thuộc của bản là đàn bò quanh quẩn bên những bãi cỏ, vài con nằm nghỉ dưới chân nhà sàn; các bể chứa nước sạch; hệ thống pin năng lượng mặt trời và cả cột “điện gió” đủ để vận hành các thiết bị điện tại nhà văn hóa của bản. Bản có điểm trường tiểu học với 22 học sinh được tổ chức thành hai lớp ghép 1-2 và 3-4-5. Trẻ con Dốc Mây hồn nhiên và dạn dĩ, sẵn sàng trả lời những câu hỏi của khách đường xa…
Tiếp sức cho Dốc Mây
Để Dốc Mây từng bước phát triển, những băn khoăn trăn trở lớn được quan tâm chính là nơi ăn chốn ở, sinh kế cho đồng bào, việc học tập của con em…
Để giúp đồng bào “an cư”, dịp này, 9 ngôi nhà “Đại đoàn kết” sẽ được xây dựng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng được huy động từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng Làng Mô. Trước điều kiện giao thông cách trở, địa hình phức tạp, việc xây dựng nhà cho các hộ dân sẽ được xem xét, tính toán cụ thể từ thiết kế, vật liệu… để bảo đảm hiệu quả, bền vững và phù hợp với tập quán của đồng bào.
Về sinh kế, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cho biết, trước đây, dân bản Dốc Mây làm nương rẫy, không chỉ trồng lúa mà còn trồng cả hoa màu. Sau này, khi đóng cửa rừng, bà con không làm nương rẫy nữa nên có nhiều khó khăn. Để ổn định sinh kế cho đồng bào, lãnh đạo xã Trường Sơn đã đề xuất và đầu năm 2024 được Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại giao 94ha rừng, qua rà soát có hơn 70ha có thể sản xuất. Số diện tích này, xã giao cho 26 hộ và động viên, hướng dẫn bà con trồng lúa, hoa màu phù hợp.
Từ năm 2023 đến nay, bà con tham gia bảo vệ rừng với nguồn thu nhập khá ổn định. Cụ thể, 6 tháng năm 2023 thu nhập khoảng 10 triệu đồng/hộ, dự kiến cả năm 2024 sẽ đạt mức 28-30 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, bà con được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm từ các chương trình của Trung ương, tỉnh, huyện, sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm.
Trước lúc chia tay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đặc biệt lưu ý với bà con và trưởng bản Hồ Xy cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP cắm bản phải luôn quan tâm động viên con em cố gắng học tập. Theo đó, sau khi kết thúc chương trình tiểu học tại điểm trường ở bản, các cháu cần nỗ lực hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông và học cao hơn nữa, trang bị đầy đủ kiến thức để đưa gia đình, bản làng thoát nghèo. Đồng chí cũng đề nghị BĐBP, huyện Quảng Ninh tiếp tục quan tâm chăm lo cho bà con, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xem xét, vận động bà con về việc di dời ra bản Rìn Rìn, nơi có điều kiện thuận lợi hơn để sinh sống… Nhiều “bài toán” đã được đặt ra, cân nhắc, thảo luận nhằm tiếp sức cho đồng bào vững tin hơn trong cuộc sống, để bà con Dốc Mây chung sức cùng BĐBP và các lực lượng bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202409/doc-may-khong-con-xa-tham-2220975/