Độc lập và đoàn kết
Ngày 2-9-1945, từ Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), 'trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy'.
79 mùa thu qua, lời tuyên bố đanh thép ấy đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ rộng rãi từ nhân dân trong nước cho tới bạn bè, lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Trong thời chiến, đó là nguồn sức mạnh to lớn làm nên những chiến thắng vang dội của quân và dân Việt Nam nhằm bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước, thống nhất non sông, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong thời bình, đó là kim chỉ nam cho các cuộc đấu tranh chống mọi mưu đồ phá hoại, giữ vững thành quả cách mạng, đưa đất nước không ngừng phát triển, có cơ đồ, tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế ngày càng lớn.
Trên hành trình đấu tranh giành và giữ tự do, độc lập, Việt Nam luôn nhận được sự đoàn kết, tương trợ vô cùng quý báu của bạn bè quốc tế. Sự đoàn kết, tương trợ ấy góp phần quan trọng vào mọi thành công của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam luôn thấm thía bài học: Độc lập nhưng không để bị cô lập, đơn độc, độc lập nhưng phải giữ vững và ngày càng mở rộng quan hệ bạn bè, đối tác trong cộng đồng quốc tế để cùng nhau đoàn kết xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển.
Bởi vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên định thực hiện đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại", "là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế". Về chính trị-xã hội, Việt Nam nhất quán chủ trương tôn trọng quyền tự quyết dân tộc; kiên quyết phản đối và chống lại mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Về kinh tế, Việt Nam thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế để tranh thủ mọi thời cơ phát triển kinh tế đất nước, tăng cường sức mạnh nội tại của nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Về văn hóa, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, "hòa nhập nhưng không hòa tan". Về quân sự, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đường lối, chính sách của Việt Nam trên tất cả trụ cột quan trọng ấy đều thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, tự chủ trên nền tảng đại đoàn kết toàn dân tộc và trong mối quan hệ đoàn kết với tất cả các nước bạn bè, đối tác trên thế giới.
Ngày nay, bối cảnh và tình hình quốc tế ngày càng biến đổi nhanh chóng, khó lường. Các mối đe dọa về độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ không chỉ tồn tại ở các lĩnh vực truyền thống mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực phi truyền thống, trong đó có không gian mạng, công nghệ vệ tinh... Do vậy, việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng ngày càng nặng nề hơn. Ở giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên.
Các nhiệm vụ này có mối quan hệ tác động qua lại với nhau rất chặt chẽ và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đến năm 2030, 2045 của đất nước mà Đảng ta đã nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu ấy đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục phát huy tinh thần "không có gì quý hơn độc lập, tự do", "tất cả vì hạnh phúc của nhân dân"; nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết trong nước và quốc tế, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực; thổi bùng khát vọng chấn hưng văn hóa dân tộc, khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến. Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Từ đó cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.
Đặc biệt, chúng ta cần đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện tiêu cực, làm việc cầm chừng, không dám nghĩ, không dám làm, ngại đổi mới, sợ trách nhiệm, kích động hận thù, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và gây chia rẽ Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế, tạo ra các rào cản trong việc thực hiện những mục tiêu chung. Qua đó, khơi thông mọi điểm nghẽn cản trở sự phát triển.
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, toàn quân ta cần ra sức học tập, rèn luyện, công tác, thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ, tích cực góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong đó, Quân đội ta cần thực hiện hiệu quả chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế nhằm góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi hai mục tiêu chiến lược và các mục tiêu cụ thể mà Đảng đã đặt ra.
Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, trong đó có nhiều nhiệm vụ mới và khó. Tuy nhiên, với những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Quân đội nhân dân Việt Nam, tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, 2045 mà Đảng đã đề ra. Khi đó, chúng ta sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để gia tăng tiềm lực về mọi mặt, qua đó càng củng cố vững chắc, "giữ vững nền tự do, độc lập" như lời Bác vang vọng non sông suốt 79 mùa thu qua!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/doc-lap-va-doan-ket-792119