Độc đáo Lễ hội Hết Chá trên cao nguyên Mộc Châu

Vào dịp tháng 3 hàng năm, khi hoa mạ nở vàng, hoa ban nở trắng núi rừng, bà con dân tộc Thái ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu lại rộn ràng vui Lễ hội Hết Chá. Lễ hội năm nay diễn ra ngày 22-23/3 với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia trải nghiệm.

Lễ hội Hết Chá bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu năm 2024

Lễ hội Hết Chá là phong tục tín ngưỡng tâm linh độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Thái trắng nơi rẻo cao Tây Bắc. Năm nay, Lễ hội được tổ chức vào dịp cuối tuần trong tiết trời mùa xuân mát mẻ, đã thu hút rất đông du khách đổ về nhà văn hóa bản Áng, xã Đông Sang, khiến không khí trở nên thật rộn ràng. Khi tiếng trống chiêng bắt đầu ngân vang, cũng là lúc Lễ hội Hết Chá bắt đầu với nghi thức cúng Then. Theo tích truyện xưa kể lại, ở vùng Mường Mốc xưa, tức xã Đông Sang ngày nay, có ông thầy cúng tên là Mọ Mun chuyên dùng thuốc nam chữa bệnh cứu người. Những người ốm sau khi khỏi bệnh đã xin thầy mo nhận làm con nuôi để tạ ơn công lao chăm sóc chữa trị bệnh. Từ đó, vào độ xuân về, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, là lúc con nuôi thầy Mọ Mun ở khắp mọi miền trở về thăm thầy. Lễ hội Hết Chá ra đời từ đó.

Thầy mo thực hiện nghi lễ cúng

Ông Vì Văn Phịnh, bản Áng, người đảm nhận vai trò chủ lễ, cho biết: Từ xa xưa, Lễ hội Hết Chá có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc Thái xã Đông Sang, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, củng cố và nâng cao tình đoàn kết bà con dân bản. Đây cũng là thời điểm những đôi trai gái tìm hiểu nhau, bén duyên thành vợ thành chồng.

Cây "xặng chá" được trang trí đẹp mắt

Giữa không gian lễ hội, bà con dân bản đặt một cây “xặng chá”, được làm hết sức cầu kỳ, đẹp mắt. Trên thân cây trang trí nhiều mô hình tượng trưng như con chim, con cá, quả còn, hoa ban, hoa mạ… nhằm biểu đạt cuộc sống bình dị, gắn bó của nhân dân với thiên nhiên, đất trời. Trong tiếng trống chiêng rộn rã, thầy mo sẽ đọc các bài cúng thể hiện mong muốn của bản mường về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa.

Bà con dân bản tái hiện các trò diễn trong lễ hội

Sau phần lễ, phần hội sẽ diễn ra với các hoạt động nhằm mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc Thái trong quá trình dựng bản, dựng mường, xây dựng đời sống mới. Những trò diễn dân gian dí dỏm, vui nhộn mang nhiều ý nghĩa nhân văn được tái hiện trên sân khấu như: Tích truyện tập trâu cày ruộng, đi hái rau rừng, trò đi xúc cá, một chuyến đi săn... Bên cạnh đó, là những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã tạo nên nhiều ấn tượng cho du khách.

Các bản thi lấy lửa luộc gà

Các bản thi trưng bày ẩm thực dân tộc

Bên lề Lễ hội Hết Chá còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và hấp dẫn giữa nhân dân các bản trên địa bàn xã Đông Sang, như: Thi thôn nữ duyên dáng, thi lấy lửa luộc gà, trưng bày ẩm thực dân tộc, bắn nỏ, đi cầu kiều... Sau tất cả, Lễ hội Hết Chá khép lại bằng vòng xòe đoàn kết, bà con dân bản cùng du khách mọi miền tay nắm tay trong điệu xòe Thái.

Người dân và du khách hòa mình vào điệu xòe

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa huyện Mộc Châu, cho biết: Lễ hội Hết Chá đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện Mộc Châu luôn quan tâm duy trì tổ chức lễ hội hàng năm để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái. Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu còn đổi mới, đa dạng các hoạt động văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu nhiều hơn.

Lễ hội Hết Chá bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Lễ hội Hết Chá trở thành nét đẹp văn hóa tiêu biểu được bà con dân tộc Thái trắng xã Đông Sang gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa quan trọng trong định hướng phát triển không gian du lịch văn hóa cộng đồng của Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.

Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/doc-dao-le-hoi-het-cha-tren-cao-nguyen-moc-chau-qHaHnUJSg.html