Doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm kênh huy động vốn
Các doanh nghiệp đang có xu hướng phụ thuộc vào vốn tín dụng, bởi các kênh huy động vốn khác đang gặp khó khăn. Theo các chuyên gia, việc 'dựa dẫm' quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi 'sức khỏe' của hệ thống ngân hàng đang có những tín hiệu đáng lo ngại, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.
Có thể thấy, việc thiếu đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn và không thể “lớn”.
Vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có những giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đánh giá, tình hình doanh nghiệp trong nước hiện vẫn rất khó khăn. Năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21%, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết những giải pháp thiết thực về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu thực tế nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, chỉ số dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đã chiếm hơn 120% GDP và đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hết sức cân nhắc. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhà điều hành chưa bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
"Nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, có thể rủi ro đối với hệ thống ngân hàng”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế hiện vẫn phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng. Việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi "sức khỏe" của hệ thống ngành ngân hàng đang có nhiều tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.
Bên cạnh đó, tín dụng trên đầu người cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. "Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Phải chăng lượng vốn tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế không phải là con số lớn như thống kê chỉ ra?", ông Tú Anh trăn trở.
Thống đốc NHNN cho biết, hiện có rất nhiều nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân như nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ, hiện đã có cơ chế doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả cũng có khuôn khổ pháp lý…
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian qua, dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn như giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, tăng tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh hướng tới kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá.
Khơi thông thị trường vốn
Tại Hội thảo "Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025" vừa được tổ chức, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), cho rằng thị trường vốn Việt nam còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết. Điển hình, cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn kém bền vững, chủ yếu được phát hành bởi nhóm ngân hàng và bất động sản. Thị trường cổ phiếu biến động nhất trong khu vực, vẫn còn cách xa các chỉ tiêu đề ra cả về chất và lượng. Thị trường bảo hiểm trong 2 năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục.
Trên thị trường tín dụng ngân hàng, áp lực nợ xấu đang gia tăng trong khi bộ đệm dự phòng của không ít nhà băng đang mỏng dần, cho thấy những yếu tố rủi ro đang tiềm ẩn.
Quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; hạn chế về hạ tầng công nghệ, niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thị trường vốn chưa thực sự hồi phục, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững...
Đối với kênh huy động vốn từ thị trường TPDN, ông Nguyễn Tú Anh chỉ rõ: nhà đầu tư tham gia thị trường hiện nay chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể "lớn', ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn.
"Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào vốn ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới', ông Tú Anh khẳng định.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, để phát triển bền vững thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Đối với TPDN, cần tiếp tục chuẩn hóa và cải thiện minh bạch thông tin; có cơ chế hỗ trợ cho phát hành trái phiếu xanh; Triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN; Hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu; Xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ…).
Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, đồng thời cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào thị trường TPDN dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro.