Doanh nghiệp niêm yết logistics hút vốn ngoại

Doanh nghiệp logistics thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt sau khi diễn ra việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu hồi phục và giá cước vận tải gia tăng.

Viettel Post vừa chuyển sang niêm yết trên HoSE. Ảnh: Đức Thanh

Viettel Post vừa chuyển sang niêm yết trên HoSE. Ảnh: Đức Thanh

Triển vọng hấp dẫn

Ngành logistics Việt Nam rất có triển vọng, nhưng doanh nghiệp nội địa trong ngành có sức cạnh tranh yếu hơn các tập đoàn nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong nước không đủ nguồn lực sẽ lựa chọn “bán mình” và bên mua thường các đối tác nước ngoài bởi triển vọng tăng trưởng hấp dẫn của ngành này tại Việt Nam.

Đây là chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp logistics chuyên cung ứng về vận tải và kho lạnh đang làm hồ sơ để đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Doanh nghiệp này chào sàn là để thực hiện cam kết với cổ đông là quỹ PE đã đầu tư vào doanh nghiệp nhiều năm và tới thời hạn họ “exit”. Tỷ lệ sở hữu của founder, các lãnh đạo cấp cao sẽ được duy trì để có thể đảm bảo có quyền quyết định với chiến lược, đường hướng phát triển công ty.

Theo vị lãnh đạo trên, đối tác bên ngoài luôn được chào đón, nhưng công ty không có ý định bán tỷ lệ chi phối. “Mình có nghề, hiểu triển vọng và giá trị công ty, nên việc huy động nguồn lực để phát triển luôn nằm trong kế hoạch, nhưng bán công ty thì không”, ông nói.

Trong lĩnh vực kho bãi - được đánh giá là phân khúc hấp dẫn nhất trong ngành logistics Việt Nam, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều có các hoạt động đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trước làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất sang các nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là trước xu hướng thương mại điện tử đang rất sôi động.

FiinGroup dự báo, có khoảng 25 dự án gia nhập thị trường trong giai đoạn 2024 - 2027, bổ sung 1,87 triệu m2 diện tích cho thuê ròng. Với sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp lưu trữ chất lượng cao, dự báo lĩnh vực kho bãi Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư đáng kể trong thời gian tới.

Các tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực này là Mapletree, SLP, JD Property, Gemadept và Transimex… Các nhà đầu tư nước ngoài chiếm gần 75% thị phần theo diện tích sàn cho thuê ròng. Xét về cơ cấu cổ đông, có sự phân hóa trong tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tại Gemadept, cổ đông nước ngoài chiếm khoảng 48%, tại Hải An là chưa đến 4%, Viconship 1,6%, SCSC là 27,1%.

Sức hút trên thị trường chứng khoán

Gemadept thường xuyên được mời tham dự các buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài do các công ty chứng khoán hàng đầu tổ chức. Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, doanh nghiệp này luôn được cổ đông, nhà đầu tư và các quỹ tài chính trong và ngoài nước đánh giá cao về công tác quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, phát triển xanh.

Gemadept là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành khai thác cảng biển, logistics của Việt Nam, với sản lượng năm 2023 đạt hơn 3 triệu Teu. Doanh nghiệp sở hữu chuỗi cảng dọc chiều dài Bắc - Trung - Nam, đa dạng loại hình từ cảng cạn đến cảng sông, cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu Gemalink có thể đón được tàu thế hệ Megaship lớn nhất hiện nay.

Cổ phiếu VTP của Viettel Post gây sức hút khi liên tục tăng giá ấn tượng, tăng hơn 41% so với đầu năm. Năm 2020, phiên đấu giá VTP thu hút khá 13 nhà đầu tư đăng ký, gồm 10 nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài, 2 tổ chức trong nước và 1 nhà đầu tư cá nhân. Số lượng đặt mua là 7,4 triệu cổ phiếu VTP, gấp rưỡi lượng chào bán, trong đó khối ngoại đăng ký mua 6,14 triệu đơn vị.

Viettel Post duy trì được sức hút dòng tiền bởi được định vị là doanh nghiệp logistics công nghệ cao. Doanh nghiệp này đang tập trung toàn bộ nguồn lực đẩy mạnh đầu tư phát triển hoạt động chuyển phát và logistics, với mục tiêu nâng thị phần lên 19,5% vào cuối năm nay, đồng thời lên kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống logistics cấp quốc gia.

Chất xúc tác mạnh với cổ phiếu VTP chính là thông tin Viettel Post đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP. Nam Ninh và TP. Bằng Tường của Trung Quốc xây dựng 2 trung tâm logistics tại các thành phố này, giúp giảm thời gian kết nối giữa Quảng Tây và Hà Nội, giảm chi phí logistics cho hàng hóa giao thương, đặt nền móng đầu tiên cho quá trình xây dựng và khai thác mạng lưới chuyển phát tại Trung Quốc và các quốc gia lân cận của Viettel Post trong tương lai.

Hội nghị Logistic Việt Nam năm 2024

Hội nghị Logistic Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá" do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 31/10/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (82 - Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).

Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.

Hằng Phan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-niem-yet-logistics-hut-von-ngoai-d226363.html