Doanh nghiệp loay hoay với kiểm kê khí nhà kính

Kiểm kê phát thải là điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng thị trường carbon và tham gia luật chơi thương mại mới. Nhưng khi bắt tay vào kiểm kê, doanh nghiệp đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc.

Không biết cách tính lượng phát thải

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật.

Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01 năm 2022, ước tính chiếm khoảng 34,5% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Các cơ sở này thuộc các ngành công thương, giao thông vận tải, nông nghiệp; ngành xây dựng, ngành tài nguyên môi trường…

Bộ TN&MT cho biết đó là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao cần được quản lý chặt chẽ về phát thải khí nhà kính, thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) vào năm 2030.

Các nhà máy nhiệt điện than đều phải kiểm kê khí nhà kính.

Theo bà Mai Kim Liên, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), để Việt Nam có thể xây dựng thành công thị trường carbon thì phải kiểm kê được phát thải. Đây là "luật chơi" mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

Việc kiểm kê khí nhà kính đã bắt đầu manh nha từ năm 2022 theo tinh thần chủ động từ các doanh nghiệp, chưa bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoài cơ sở pháp lý, nguồn lực cho các hoạt động và năng lực về chuyên môn trong lĩnh vực này cũng là một trong những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong nước. Bởi họ chưa quen với việc thu thập, xử lý số liệu, tính toán kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở.

Đại diện Công ty cổ phần môi trường Thuận Thành cho biết cái khó nhất là công thức tính toán để làm sao biết được lượng phát thải là bao nhiêu. Theo vị này, dù có thông tư 17 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải, song khi tiếp cận công thức cũng khó làm được vì có nhiều nội dung còn chưa được quy định.

Còn ông Nguyễn Văn Sỹ, Phòng Phát triển bền vững Công ty Crystal Martin Việt Nam, cũng bày tỏ: "Chúng tôi hiện tại đang gặp khó khăn trong kiểm kê khí nhà kính từ phạm vi số 3, tức là phạm vi từ phía nhà cung cấp, nhà thầu phụ có hợp tác với công ty. Bởi đến thời điểm hiện tại chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với các nhà cung cấp, nhà thầu phụ về việc thực hiện cung cấp số liệu cho bên mua là Crystal Martin để kiểm kê hàng tháng".

Đó cũng là trăn trở chung của các doanh nghiệp đang mong muốn có những hướng dẫn chi tiết hơn để việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đạt hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có chính sách phù hợp

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bà Mai Kim Liên cho biết ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít nhất thải, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá carbon. Công cụ định giá carbon được áp dụng là thuế carbon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải nhà kính, cơ chế tín chỉ carbon (hay cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon).

Việt Nam xác định sẽ áp dụng các công cụ định giá carbon, cụ thể hệ thống thương mại phát thải (hay thị trường carbon nội địa) nhưng đang trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm và tác động của các chính sách liên quan của quốc tế, để đề xuất các biện pháp, chính sách phù hợp.

Các nhà máy sản xuất công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên sẽ phải kiểm kê khí nhà kính.

Kiểm kê khí nhà kính là nội dung rất mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện ở Việt Nam nên cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt hiệu quả cần khẩn trương hành động. Ngoài việc phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính phủ cần có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Ông Fukuda Koji, cố vấn trưởng dự án JJIKA SPI-NDC, cho rằng chính phủ cần đóng vai trò hỗ trợ. Hỗ trợ ở đây không chỉ về tài chính mà còn về kỹ thuật để thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

"Ví dụ như cần thành lập tổ tư vấn để giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp thường xuyên nhất về cách điền vào bảng thông tin, cách tính toán, cách thu thập dữ liệu. Có thể xây dựng một bộ phận hướng dẫn kỹ thuật về thực hiện kiểm kê với mục đích là nâng cao năng lực của doanh nghiệp", ông Fukuda Koji nói và hy vọng việc hướng dẫn sẽ giúp doanh nghiệp tự kiểm kê khí nhà kính.

Theo lộ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2024, việc kiểm kê khí nhà kính là bắt buộc. Doanh nghiệp sẽ tổ chức kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ 2 năm một lần, gửi UBND cấp tỉnh để thẩm định để gửi TN&MT.

Ngành công thương có 2.261 cơ sở có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp, tăng thêm 599 cơ sở so với năm 2022.

Ngành giao thông vận tải có 81 cơ sở có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đã được Bộ Giao thông vận tải rà soát, đề xuất đưa vào danh mục, tăng thêm 11 cơ sở so với năm 2022.

Ngành xây dựng có 140 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các tòa nhà thương mại (không bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học), tăng thêm 36 cơ sở so với năm 2022; ngành tài nguyên và môi trường có 70 cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên, giảm 6 cơ sở so với năm 2022.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với 341 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-loay-hoay-voi-kiem-ke-khi-nha-kinh-192231219094139189.htm