Doanh nghiệp kiến nghị một số phương án thay thế '3 tại chỗ'

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 6/8, các doanh nghiệp kiến nghị một số phương án để thay thế phương án '3 tại chỗ'.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Vissan cho biết, ngay từ đầu tháng 6/2021, công ty đã xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, có thể kể đến chủ trương sản xuất tại chỗ, biện pháp thuê nhà nghỉ cho công nhân và tổ chức xe đưa đón hàng ngày...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Ảnh: Huyền Mai

Hiện tại, Vissan đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” theo chủ trương của TP. HCM, tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho người lao động mỗi tuần. Ngay khi phát hiện có trường hợp dương tính SAR-CoV-2 tại cơ sở sản xuất, Vissan đã nhanh chóng phối hợp với địa phương truy vết, cách ly F1 tại các trường học trên địa bàn.

Việc xuất hiện F0 tại doanh nghiệp đã khiến khâu phân phối hàng hóa của Vissan bị đứt gãy trong thời gian ngắn. Tuy nhiên công ty đã kịp thời triển khai các kịch bản dự phòng, chuyển nguồn gia súc đến các cơ sở giết mổ bên ngoài TP. HCM, sử dụng nguồn thực phẩm đã dự trữ từ trước…Do đó, trong 1 hoặc 2 ngày tới, công ty đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ 100% nguồn thực phẩm thiết yếu cho các mạng lưới phân phối.

Còn theo bà Bùi Mai Phương, Chủ tịch HĐQT Vifon, nếu kéo dài "3 tại chỗ" sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Do đó, cần xem xét việc thực hiện tiếp phương án này hoặc một phương án khác để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất 100%, đáp ứng nhu cầu khan hiếm hàng hóa của TP cũng như của các tỉnh lân cận.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON). Ảnh: Huyền Mai

Mặt khác, để thực hiện theo phương án sản xuất "3 tại chỗ" thì số lượng công nhân làm việc tại nhà máy giảm từ 1.300 người xuống còn 500 người, dẫn đến sản lượng sụt giảm rất nhiều. Riêng với Vifon, sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài thì có nguy cơ bị phạt rất nặng theo hợp đồng đã ký với khách hàng, đặc biệt có nguy cơ mất thị trường.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực phẩm TP. HCM cho biết, hiện TP. HCM có 2 đơn vị sản xuất mỳ ăn liền lớn là Acecook và Vifon, với sản lượng tổng cộng trên 4 tỉ gói/năm. Do đó nếu 2 nhà máy này có vấn đề thì sản lượng mì ăn liền của cả nước sẽ bị "đứt gãy" theo.

Theo bà Chi, lúc trước các doanh nghiệp chỉ nghĩ sẽ sản xuất "3 tại chỗ" trong điều kiện khoảng 1 tháng. Nay diễn biến dịch bệnh phức tạp, nếu áp dụng "3 tại chỗ" kéo dài thì doanh nghiệp, người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn… Do đó, cần nghiên cứu việc dừng phương án "3 tại chỗ", mà để cho các nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn để không để xảy ra dịch bệnh.

Đồng tình và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, phương án "3 tại chỗ" chỉ có thể áp dụng tối đa 3 tuần. Không thể áp dụng giống như trường hợp 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang được, phuơng án cứng rắn này chỉ là giải pháp tạm thời.

Phó thủ tướng cũng đặt vấn đề với doanh nghiệp, nếu cho chủ trương thì các doanh nghiệp sẽ tổ chức như thế nào?

Trả lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Lý Kim Chi đại diện các doanh nghiệp kiến nghị một số phương án như:

Được sản xuất 2/3 công nhân. Tuyên truyền cho công nhân khi về ở yên trong nhà, nhà máy sẽ đi chợ cho công nhân của mình; tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân để đảm bảo an toàn; hoặc tính phương án sản xuất 50%, ví dụ công nhân đi ca 15 ngày thì sẽ cho nghỉ 1 tuần, sau đó sẽ xét nghiệm trước khi vào làm việc.

Tiếp thu các kiến nghị, Phó Thủ tướng cho rằng, để duy trì sản xuất, TP. HCM phải xem các nhà máy như tuyến đầu, ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ nhân viên.

Phó Thủ tướng đề nghị, phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động hợp tác với các đơn vị y tế tư nhân, để làm nhiệm vụ giám sát y tế ngay tại nhà xưởng và chỗ ở của công nhân, bất kể ai có triệu chứng bệnh phải có bác sĩ khám ngay.

Bên cạnh đó, công ty phải nắm rõ được số lượng công nhân đang ở trong "vùng xanh" và "vùng đỏ" thì mới có phương án sản xuất phù hợp. Nếu công nhân ở "vùng đỏ" thì công ty có thể thuê nhà trọ hoặc ở tại công ty số lượng ít.

Hoàng Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-mot-so-phuong-an-thay-the-3-tai-cho-post148753.html