Doanh nghiệp giờ không cần đuổi vẫn khiến công nhân nghỉ việc!
Đó là ý kiến của ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Nidec Việt Nam tại buổi góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TP HCM tổ chức vào sáng 20-6.
Ông Hồng phân tích tuy luật có quy định trong HĐLĐ phải ghi rõ nội dung công việc chính nhưng thực tế lại khác, ở nhiều nơi, trong HĐLĐ phần công việc được ghi rất chung chung nên khi muốn cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc, doanh nghiệp chỉ cần điều chuyển NLĐ sang những bộ phận khó nhất với điều kiện lao động khắc nghiệt, quá nóng hoặc quá ồn thì NLĐ không chịu nổi mà phải xin nghỉ. "Vì vậy, theo tôi cần quy định cụ thể hơn nữa phần công việc NLĐ phải làm trong HĐLĐ. Có thể điều chuyển trong cùng bộ phận để NLĐ hỏi và hứng thú hơn trong công việc, tuy nhiên khi thay đổi NLĐ từ bộ phận này sang bộ phận khác thì DN phải thỏa thuận và xem xét đến nguyện vọng cũng như khả năng của NLĐ".
Ngoài ra, ông Hồng cũng có ý kiến về việc chuyển đổi công việc cho lao động nữ khi mang thai. "Trước đây, luật quy định lao động nữ làm công việc nặng nhọc mang thai từ tháng thứ 7 thì được chuyển qua làm công việc nhẹ hơn nhưng tôi nghĩ nên thay đổi công việc của họ khi đang thai từ 5 hoặc 6 tháng. Cứ nhìn các chị mang thai 5, 6 tháng phải vác bụng bầu đi làm ca đêm hay phải đứng suốt nhiều giờ thì quá vất vả"- ông Hồng nêu.
Bên cạnh đó, có nhiều đại biểu đã phân tích, góp ý về các quy định liên quan đến lao động nữ tại hội nghị. Nhiều ý kiến cho rằng việc một số doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh vì không khả thi là không hợp lý. "Thực tế nhiều nơi cho rằng không khả thi vì họ thiếu linh động trong việc thực thi luật. Tại công ty tôi, mỗi lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong 3 ngày hành kinh và việc này vẫn được thực hiện tốt. NLĐ chỉ cần đưa đơn cho tổ trưởng là được"- chị Vũ Thị Son, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Solen Electric cho biết.
Một số ý kiến khác cho rằng nên linh hoạt trong việc thực hiện, nếu không thể sắp xếp cho NLĐ nghỉ thì có thể quy thành sữa, thành tiền, thuốc bổ hoặc quy định giờ nghỉ trong tháng cho lao động nữ. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý nhiều về vấn đề đảm bảo việc làm cho lao động nữ sau thời gian nghỉ thai sản; quy định doanh nghiệp có biện pháp hỗ trợ tiền gửi trẻ hoặc xây dựng nhà trẻ cho con CN, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu…