Doanh nghiệp FDI vẫn 'lép vế' trên sàn niêm yết
Suốt 5 năm qua, không có thêm doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên nào niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Thêm doanh nghiệp niêm yết do khối ngoại chi phối
Tháng 7/2022, SK Investment Vina III - cổ đông lớn nhất của CTCP Dược phẩm Imexpharm đã mua lại Red Capital (công ty mẹ của Công ty Đầu tư KBA - tổ chức đang sở hữu 7,37% vốn của Imexpharm). Thương vụ này giúp nhà đầu tư Hàn Quốc nâng tỷ lệ sở hữu tại Imexpharm từ 46,57% lên 53,94%.
Giao dịch không chỉ củng cố vị trí cổ đông lớn nhất, mà còn đưa Imexpharm trở thành công ty con của SK Investment Vina III. Sắp tới, SK Investment Vina III còn tiếp tục chào mua công khai cổ phiếu IMP trên thị trường với mục tiêu nâng sở hữu lên 55%. Hồ sơ chào mua công khai với mức giá 66.000 đồng/cổ phiếu đã gửi đi và vừa được HĐQT Imexpharm thông qua hồi trung tuần tháng 8.
Cũng trong năm 2022, Indorama Netherlands B.V - thành viên của nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới Indorama Ventures (Thái Lan) đã hoàn tất việc mua lại 97,8% vốn Công ty cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa - một doanh nghiệp ngành nhựa đang giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Với giá chào mua là 26.219 đồng/cổ phiếu, Indorama Netherlands B.V đã chi khoảng 2.091 tỷ đồng và trở thành công ty mẹ của Nhựa Ngọc Nghĩa từ giữa tháng 4/2022. Nhân sự HĐQT đã “thay máu” từ ngày 11/5.
Một “ông lớn” khác của Thái Lan là TCG Solutions Pte. Ltd thuộc quản lý của Thai Containers Group Co., Ltd - công ty thành viên của Tập đoàn SCG - cũng đã thâu tóm CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI). Thương vụ này được thực hiện cuối năm 2020.
Trước đó, SCG thông qua công ty con Nawaplastic Industries Co., Ltd đã từng đầu tư vào cả Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP). Sau đó, tập đoàn này đã thoái hết vốn tại Nhựa Tiền Phong, song lại nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên mức chi phối (54,39%) từ cuối năm 2019.
Vắng bóng doanh nghiệp FDI mới chào sàn
Số lượng doanh nghiệp niêm yết có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trên sàn chứng khoán những năm gần đây đã tăng lên đáng kể thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, thị trường chứng khoán thiếu những tên tuổi mới là các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập.
Gần 20 năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2003/NĐ-CP cho phép một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáp ứng đủ điều kiện có thể chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần, đồng thời được phép niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quy định này đã kéo theo “làn sóng” gia nhập của 10 doanh nghiệp FDI trong giai đoạn 2003 - 2008. Tuy nhiên, sau đó, làn sóng này đã lắng xuống. Đến năm 2017, sàn chứng khoán Việt Nam mới đón thêm một doanh nghiệp FDI mới là CTCP Siam Brothers Việt Nam (SBV).
Trong nhóm doanh nghiệp FDI lên sàn, tại một số doanh nghiệp, “ông chủ” nước ngoài đã thoái lui. Tiền thân của Thành Thành Công - Biên Hòa ngày nay là Công ty cổ phần Mía Đường Bourbon Tây Ninh - liên doanh do Tập đoàn Bourbon góp vốn. Hai năm sau khi lên sàn, cổ đông từ Pháp đã thoái lui. Trong khi đó, cổ đông ngoại cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại Gạch men Chang Yih, Quốc tế Hoàng Gia…
Có một số doanh nghiệp FDI lên sàn đã sớm “chết yểu” như Full Power. Doanh nghiệp này đã buộc hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tục chỉ sau 4 năm niêm yết.
Tuy vậy, cũng có doanh nghiệp FDI lên sàn mà nhà đầu tư ngoại phát triển rất tốt như Everpia và Mirae.
“Lép vế” trên sàn chứng khoán
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong cơ cấu kinh tế hiện nay, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2022 cũng ghi nhận mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2018-2022, với 12,8 tỷ USD.
Chưa có thêm tân binh FDI nào niêm yết suốt 5 năm qua. Dù vậy, cũng đã có các doanh nghiệp FDI “đánh tiếng” lên sàn.
Ở góc độ này, thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế phản ánh không mấy chính xác bức tranh chung. Tính đến thời điểm hiện tại, sàn chứng khoán chỉ còn 11 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ. Tính đến ngày 30/6/2022, quy mô vốn hóa của nhóm này đạt 147.660 tỷ đồng, tương đương 2% vốn hóa thị trường trên cả 3 sàn.
Chưa có thêm tân binh FDI nào niêm yết suốt 5 năm qua. Dù vậy, cũng đã có các doanh nghiệp FDI “đánh tiếng” lên sàn. Cuối tháng 11/2021, lãnh đạo “ông lớn” ngành bán lẻ Nhật Bản đề cập kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, tháng 4/2022, HĐQT của Charoen Pokphand Foods (CPF) - công ty mẹ của C.P Việt Nam cũng đã phê duyệt cho C.P Việt Nam đăng ký thủ tục trở thành công ty đại chúng và nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn HoSE.
Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là nguồn hàng mới đáng chú ý trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam đang khan hiếm các tân binh. Đồng thời, việc này cũng cải thiện tỷ trọng nhóm doanh nghiệp niêm yết có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-fdi-van-lep-ve-tren-san-niem-yet-d172552.html