Doanh nghiệp bán lẻ châu Âu không muốn trả tiền hàng trong vòng 30 ngày
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) đề xuất quy định bắt buộc các giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong khu vực phải thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn. Quy định mới nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ tránh được các vấn đề thanh khoản.
Tuy nhiên, các tập đoàn bán lẻ của châu Âu cảnh báo đề xuất như vậy có thể khiến các doanh nghiệp mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, nơi các nhà cung cấp chấp nhận thời hạn thanh toán dài hơn.
EC đưa ra đề xuất trên nhằm giải quyết tình trạnh thanh toán trễ giữa các doanh nghiệp. Theo đó, nếu doanh nghiệp mua hàng không thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn, doanh nghiệp bị nợ tiền có thể tự động tính lãi suất và khoản phí thanh toán trễ 50 euro.
Tuy nhiên, các tập đoàn bán lẻ cảnh báo việc đặt ra thời hạn thanh toán như vậy sẽ đẩy giá cả tăng cao và khuyến khích họ mua nhiều hàng hóa hơn từ Trung Quốc.
Công ty Kingfisher, chủ sở các chuỗi cửa hàng gia dụng và nội thất B&Q, Castorama và Brico Dépôt ở châu Âu, cho rằng giới hạn thanh toán 30 ngày sẽ khiến công ty phải tăng giá để tạo ra đủ tiền mặt nhằm thanh toán cho các nhà cung cấp đúng hạn.
“Đề xuất này không miễn phí vì làm tăng chi phí ở một nơi khác trong chuỗi giá trị. Điều này cuối cùng sẽ gây ra hậu quả cho người tiêu dùng về tính sẵn có của sản phẩm, sự lựa chọn và giá cả”, Nick Lakin, người đứng đầu bộ phận quan hệ doanh nghiệp của Kingfisher, công ty có 50% doanh số bán hàng ở EU nói.
Các nhà bán lẻ trong các lĩnh vực như quần áo và đồ nội thất thích đàm phán các điều khoản thanh toán dài hơn với các nhà cung cấp, Điều này cho phép doanh nghiệp dàn trải các khoản thanh toán theo thời gian.
Lakin cho biết, Kingfisher vẫn đàm phán các điều khoản thanh toán linh động trên khắp châu Âu lên tới 60 ngày hoặc lên đến 90 ngày đối với các nhà cung cấp châu Á.
Theo Alisdair Gray, người đứng đầu các vấn đề EU tại hiệp hội bán lẻ dụng cụ sửa chữa nhà cửa châu Âu (EDRA), các cửa hàng nội thất và sửa chữa nhà cửa trong khu vực nhập ít nhất một nửa số hàng hóa từ Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp sẽ mua nhiều hơn từ Trung Quốc vì các nhà cung cấp ở đó sẽ cho phép thanh toán trong vòng 90 ngày”, ông nói.
“Chúng tôi vô cùng lo lắng. Ví dụ, nếu bạn là một chủ của cửa hàng quần áo nhỏ, bạn sẽ đặt mua trước các mặt hàng theo mùa và thường thanh toán cho nhà cung cấp trong một khoảng thời gian nhất định khi bạn bán chúng. Với đề xuất mới về thời hạn thanh toán, bạn không có đủ nguồn lực tài chính để mua hàng dự trữ”, Christel Delberghe, Tổng giám đốc Euro Commerce, tổ chức đại diện cho các nhà bán lẻ và bán buôn ở châu Âu nói.
Đề xuất về thời hạn thanh toán trong giao dịch thương mại B2B là một phần của gói biện pháp hỗ trợ rộng hơn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do Paolo Gentiloni, Cao ủy kinh tế EU và Thierry Breton, Cao ủy thị trường nội khối EU, công bố đầu tháng này.
Đề xuất này còn phải đưa ra đàm phán với Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU. Theo EC, các khoản thanh toán trễ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nhỏ, với 25% tổng số vụ phá sản của các công ty ở EU là do hóa đơn không được thanh toán đúng hạn.
Ở EU, nhiều hóa đơn mua hàng bị thanh toán muộn. Theo một nghiên cứu từ năm 2015, chỉ 39% công ty EU tôn trọng các điều khoản thanh toán đã thỏa thuận và hơn 50% khoản thanh toán bị trì hoãn từ 10 ngày trở lên.
Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về thanh khoản ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong những trường hợp xấu, những doanh nghiệp này sẽ rơi vào phá sản. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp lớn thanh toán trễ cũng khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ thanh toán hóa đơn quá muộn dẫn đến sự chậm trễ lan ra toàn bộ chuỗi giá trị.
Một quan chức của EC cho biết, các nhà bán lẻ lớn đang sử dụng thời hạn thanh toán dài như một cách để chuyển rủi ro kinh doanh sang các nhà cung cấp nhỏ hơn.
“Thời hạn mới về điều khoản thanh toán dự kiến mang lại môi trường kinh doanh công bằng hơn trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong các giao dịch giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ”, vị quan chức nói.
Người này cho biết thêm, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha đã áp đặt các thời hạn thanh toán mà không làm khiến chuỗi cung ứng chuyển dịch sang các nhà cung cấp nằm ngoài EU.
Micky Adriaansens, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế Hà Lan, cho rằng việc áp dụng thời hạn thanh toán rộng rãi khắp châu Âu là một điều tốt.
“Thời hạn thanh toán dài tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi bên đều nhìn nhận vấn đề từ lợi ích riêng nhưng mối quan tâm của chúng tôi là đảm bảo rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không bị thanh toán trễ”, Sophia Zakari, giám đốc chính sách doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý của SMEunited, một nhóm vận động hành lang cho doanh nghiệp nhở ở EU nói.
Theo một quy định của EU ban hành hồi năm 2019, doanh nghiệp mua thực phẩm tươi sống phải thanh toán cho nhà cung cấp trong vòng 30 ngày nhưng có thể thanh toán cho các mặt hàng tạp hóa khác trong vòng 60 ngày.
Giuseppe Brambilla, Phó Chủ tịch Federdistribuzione, một hiệp hội thương mại của các nhà phân phối hàng hóa ở Ý, cho biết nếu bỏ thời hạn thanh toán 60 ngày, các nhà bán lẻ cần “một núi tiền mặt” để thanh toán đúng hạn. “Điều này chắc chắn tác động đến lạm phát và chúng tôi sẽ phải tăng giá bán”, Brambilla nói.
Theo Financial Times, Euractiv