'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết'

'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công'! Đây là lời đúc kết súc tích và sâu sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bài học lịch sử cơ bản, phản ánh quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; về nền tảng căn bản tạo nên sức mạnh Việt Nam, với những kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy tặng cán bộ và Nhân dân khu dân cư Sơn Thắng, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11).

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy tặng cán bộ và Nhân dân khu dân cư Sơn Thắng, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11).

Nhìn sâu vào quá khứ lịch sử dân tộc ta, không khó để nhận ra một sự thật rằng, chỉ khi vai trò của Nhân dân được coi trọng, thì khi ấy nước nhà mới ổn định để phát triển và quan trọng hơn là mới tạo được “lá chắn thép” để chống lại các thế lực ngoại bang. Bởi thế, Nguyễn Trãi đã chỉ rõ: “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”; còn Hưng Đạo Đại vương thì hết sức đề cao việc “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, xem đó là “thượng sách giữ nước”.

Có thể nói, tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của cha ông ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát huy; đồng thời, khi gặp Chủ nghĩa Mác - Lênin với những quan điểm tiến bộ về vai trò của Nhân dân, thì tư tưởng ấy càng được nâng lên một tầm cao mới. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Tư tưởng này được thể hiện trên hai phương diện cơ bản: mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân; phát huy trách nhiệm của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, vai trò hay sức mạnh của Nhân dân đã được khơi dậy và phát huy cao độ hơn bao giờ hết. Một minh chứng sinh động cho điều đó là việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu”, được tổ chức bằng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); là xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa toàn dân, toàn diện và tiến hành chiến tranh Nhân dân... Tất cả được hình thành trên cơ sở tiếp thu nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; đồng thời là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống toàn dân đánh giặc “trăm họ là binh” của dân tộc ta. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, để đề ra những giải pháp chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp trong quá trình cách mạng.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là bởi Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn thể Nhân dân ta nổi dậy, giành lấy chính quyền. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh cũng được tiến hành trên nền tảng của tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ” của toàn thể dân tộc ta. Đặc biệt, khi phải đối đầu trực diện với kẻ thù hùng mạnh bậc nhất - đế quốc Mỹ, thì không gì khác chính là sức mạnh Nhân dân - với quyết tâm sắt đá quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ - là tiền đề căn bản nhất tạo nên kỳ tích của dân tộc Việt Nam: Kỳ tích về một dân tộc nhược tiểu có thể đánh bại tên đế quốc sừng sỏ đứng đầu thế giới trong thế kỷ XX.

Vậy, sức mạnh vĩ đại ấy đã được khơi dậy và phát huy ra sao? Theo lý giải của Geetesh Sharma, Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, trong bài viết “Đấng cứu tinh của hòa bình, độc lập và hạnh phúc”, thì: “Nhân dân chiếm một vị trí quan trọng, vững chắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh - Người mà trong lời nói và việc làm của mình luôn luôn nhấn mạnh đến độc lập và phúc lợi của Nhân dân. Nói thế bởi vì Người có thể tập hợp các tầng lớp Nhân dân khác nhau của xã hội Việt Nam, kể cả số ít đại diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam. Không chỉ những người khỏe mạnh mà cả phụ nữ, người già, người tàn tật và trẻ em cũng có vai trò, ý nghĩa như những người lính của cuộc chiến chinh giải phóng trên các mặt trận khác nhau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có một khả năng tuyệt đối trong việc “tập hợp các tầng lớp Nhân dân”, cũng chính là khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Khả năng ấy có xuất phát điểm căn bản, đó là bởi Người luôn tôn trọng Nhân dân và tin tưởng vào sức mạnh vĩ đại của Nhân dân. Trong “Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô”, Người viết: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại. Cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.

Không chỉ trọng dân, gần dân, hiểu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn dành tình yêu bao la cho đồng bào mình. Như nhận định của Giáo sư Mauro García Triana, nguyên Đại sứ đầu tiên của Cuba tại Việt Nam: “Người yêu mến Tổ quốc mình và được dân tin yêu. Sở trường vì độc lập, tiểu sử cách mạng và nhân cách lôi cuốn của Người, đã cho Người một sự tín nhiệm tuyệt đối. Ở Việt Nam, kể từ năm 1941, khi Người từ nước ngoài trở về sau ba mươi năm vắng bóng cho đến lúc qua đời, mọi chính sách đòi hỏi sự tham gia và ủng hộ của Nhân dân đều phải do Người chuyển tải hoặc phải đảm bảo với quần chúng rằng đó là xuất phát từ Bác Hồ”. Không những vậy, Người là hiện thân của tinh thần hy sinh hết thảy cho dân tộc, cho Nhân dân. Suốt cuộc đời Người đã tình nguyện làm “một người lính vâng lệnh quốc dân, đồng bào” mà phấn đấu hy sinh, “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”. Vì vậy, Nhân dân Việt Nam mãi mãi kính yêu, biết ơn, tuyệt đối tin tưởng và đoàn kết xung quanh Người. Cũng từ đó mà “Hồ Chí Minh đã không chỉ thành công trong việc đoàn kết Nhân dân Việt Nam chống lại chế độ phong kiến và đế quốc; mà cuối cùng dự báo của Người rằng không một thế lực nào trên trái đất có thể đánh bại được một dân tộc đoàn kết và được chuẩn bị, đã trở thành hiện thực” (Geetesh Sharma).

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ coi trọng đại đoàn kết dân tộc, giải quyết thành công mối quan hệ dân tộc với giai cấp; mà còn hết sức coi trọng tăng cường tình đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, kể cả với Nhân dân Pháp và Nhân dân Mỹ. Người đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, hình thành trên thực tế một mặt trận Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống xâm lược, đưa hai cuộc kháng chiến vĩ đại của Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Đường lối chiến lược đó được loài người tiến bộ thừa nhận là đường lối chiến lược hoàn hảo của thời đại chúng ta. Có thể nói, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là tư tưởng vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Tư tưởng ấy có sức lan tỏa và lay động sâu sắc đến Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, để họ không chỉ lên tiếng mà còn hết lòng giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc cho Việt Nam. Cũng nhờ đó mới có tình cảm thủy chung, trong sáng vượt ra mọi giới hạn địa lý, như tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba “vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”; hay “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”...

Có thể khẳng định, tư tưởng đại đoàn kết ví như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bắt nguồn từ tư duy truyền thống dân tộc, đến Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết đã trở thành một chiến lược cách mạng nhất quán, thành bí quyết thành công của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đại đoàn kết của Người đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu, nhân lên sức mạnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành và giữ độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Trước khi “về với thế giới người hiền”, trong “Di chúc” gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Lời căn dặn của Người và những bài học vô giá về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vẫn luôn được Đảng ta giữ vững và phát huy cao nhất. Từ đó, quyết tâm thực hiện cho được điều mong mỏi cuối cùng của Bác Hồ: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doan-ket-doan-ket-dai-doan-ket-249148.htm