Đoàn giám sát về giải quyết khiếu nại tố cáo: Chọn giám sát 5 vụ việc cụ thể tồn đọng, phức tạp tại mỗi địa phương
Tại Phiên họp thứ 3, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021' đã thống nhất giám sát tại 8 Bộ ngành và 6 địa phương. Tại mỗi địa phương, tiến hành giám sát tối đa 5 vụ việc cụ thể tồn đọng, phức tạp.
Sáng 18/03, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì Phiên họp thứ 3 của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Phiên họp nhằm quán triệt kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 và cho ý kiến về nội dung, thời gian, địa điểm và phương pháp làm việc cụ thể khi giám sát tại các bộ ngành, địa phương. Theo đó, Đoàn giám sát thành lập 2 Đoàn nhỏ, tiến hành giám sát tại 8 Bộ ngành gồm: Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an; 6 địa phương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai và Đắc Nông. Tại mỗi địa phương, Đoàn sẽ tiến hành giám sát tối đa 5 vụ việc cụ thể tồn đọng, phức tạp ngoài việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thời gian thực hiện giám sát tập trung trong tháng 4 tới.
Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, khâu chuẩn bị kỹ lưỡng, chọn lọc các vụ việc trước khi Đoàn giám sát tại các bộ ngành địa phương là rất quan trọng. Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc xác định diện, điểm để tiến hành giám sát; trao đổi về thời gian, địa điểm và phương pháp triển khai. Các thành viên đoàn giám sát cũng thảo luận về việc lựa chọn những vấn đề nóng, vụ việc đông người, phức tạp dẫn tới khiếu nại, tố cáo để đến giám sát trực tiếp.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cơ bản các thành viên thống nhất với dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết; đề xuất các nội dung trọng tâm, trọng điểm cũng như yêu cầu trong quá trình giám sát thực tế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ Báo cáo của các Bộ ngành địa phương đã gửi, để tổng hợp, có văn bản yêu cầu bổ sung những vấn đề còn thiếu. Trưởng đoàn giám sát cũng quyết định thành lập các Tổ công tác do các đồng chí thành viên Đoàn giám sát làm Tổ trưởng. Theo đó, các Tổ công tác xác định nhóm nội dung, gửi trước cho các Bộ ngành, địa phương, sau đó khảo sát bước đầu, báo cáo Đoàn giám sát trước khi Đoàn tiến hành giám sát. Việc giám sát các vụ việc cụ thể ở địa phương không phải là giải quyết trực tiếp mà qua đó để có cơ sở kiến nghị những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, trách nhiệm và các quy định pháp luật có liên quan.
Thực hiện : Khắc Phục Quang Sỹ