Định vị lại sứ mệnh, vai trò của các định chế tài chính, huy động vốn cho hành trình tăng trưởng xanh toàn cầu

Sáng 17/4, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên thảo luận về 'Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu' trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư (14-17/4).

Toàn cảnh phiên Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Toàn cảnh phiên Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng, tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong định hướng tăng trưởng xanh thông qua việc tham gia và thực hiện nhiều cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Trong đó, quan trọng nhất là Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tham gia tích cực các Diễn đàn về phát triển bền vững, các Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu hàng năm, với cam kết hết sức có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tín hiệu tích cực từ tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, một trong những kết quả nổi bật nhất trong định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam là trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 71.000 tỷ đồng vào năm 2015 lên gần 8 lần, đạt 564.000 tỷ đồng năm 2023, chiếm 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Để các cam kết toàn cầu đạt được các kết quả tích cực, thực chất, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các quốc gia cần tham vấn chính sách, phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa trong cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó, sự phối hợp để xây dựng và triển khai chiến lược huy động tài chính cho tăng trưởng xanh phù hợp với cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong tiến trình đó, việc định vị lại sứ mệnh và vai trò của các định chế tài chính quốc gia trong cấu trúc toàn cầu cần được xác định là giải pháp ưu tiên mang tính đột phá.

"Các định chế tài chính quốc gia ngoài việc cần được tăng cường hơn nữa vai trò điều phối chính sách tài chính, còn cần được trao sứ mệnh tiên phong trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tạo dựng môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực cho các dự án xanh thông qua việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp.

Để từ đó, phát triển thị trường tài chính xanh, bao gồm việc thúc đẩy việc phát hành trái phiếu xanh, các công cụ tài chính bền vững và phát triển các sản phẩm tài chính hỗ trợ cho các sáng kiến xanh.

Bên cạnh đó, các định chế tài chính quốc gia cũng cần được xác định là thể chế trung tâm trong phối hợp liên ngành, liên quốc gia nhằm tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các dự án xanh, bao gồm chính sách ưu đãi và hỗ trợ trực tiếp về tài chính để giúp các dự án này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung gợi mở.

Trong khi đó, với cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu, Thứ trưởng cho rằng, đã đến thời điểm chín muồi để cùng thảo luận về định hướng hoàn thiện, trong đó, tiếng nói của các quốc gia đang phát triển cần được lắng nghe và thể hiện trong các cam kết thu xếp tài chính toàn cầu.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào 3 nội dung chính: Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát triển thị trường tài chính xanh; giải pháp khắc phục các rào cản về kỹ thuật, pháp lý và thị trường; chính sách tài chính thu hút đầu tư từ khu vực công và tư nhân.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung các nội dung chính như Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát triển thị trường tài chính xanh, chính sách thu hút đầu tư xanh... (Ảnh: Gia Thành)

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung các nội dung chính như Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát triển thị trường tài chính xanh, chính sách thu hút đầu tư xanh... (Ảnh: Gia Thành)

Vai trò nổi bật của P4G

Nhận định về tầm quan trọng của tài chính trong chuyển đổi xanh, bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Những năm qua, năng lượng tái tạo ngày càng khẳng định vị thế quan trọng, xe điện, doanh thu xe điện tăng mạnh, xây dựng xanh, kinh tế tuần hoàn cũng đã trở thành xu thế của thế giới.

Nguồn vốn tài chính cũng quan trọng như nguồn nước. Theo đánh giá của UNCTAD, dòng vốn xanh đang hướng tới các ngành, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, một số khu vực bị ảnh hưởng bởi khí hậu chưa được tiếp cận nguồn vốn xanh hoặc còn gặp khó trong cấp vốn tài chính.

Trong bối cảnh như vậy, bà Rebeca Grynspan cho rằng, P4G chính là cơ hội mang tính lịch sử để có thể thúc đẩy các ngân hàng toàn cầu cấp vốn tài chính, thêm đầu tư cho khu vực tư nhân.

Về các chính sách của Campuchia, ông Chuop Paris, Thứ trưởng Bộ Môi trường Campuchia cho biết, thời gian qua, đất nước đã có các chính sách hướng tới tăng sức chống chịu nền kinh tế, giảm nghèo, kết nối số, giảm khí thải carbon....

Song song với đó, đất nước cũng đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư xanh, tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và các đối tác để mở nguồn lực mới cho phát triển bền vững.

"Campuchia đã có thông tư mới về phát triển môi trường bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh năng lượng. Và P4G sẽ là cú hích để các quốc gia chia sẻ cam kết xuyên biên giới, tạo dựng tương lai chung bền vững, bao trùm", ông Chuop Paris nói.

Tại phiên thảo luận, ông Chung Keeyong, Thứ trưởng, Đại sứ về Biến đổi khí hậu Hàn Quốc cũng nhấn mạnh cam kết về chuyển đổi xanh cần hướng vào con người. Cùng với đó, yếu tố đảm bảo thành công của chuyển đổi xanh là huy động tài chính.

Biểu dương nỗ lực dẫn dắt, đúng thời điểm của P4G, ông Chung Keeyong nhận thấy, Diễn đàn cần có thêm cơ chế, lộ trình rõ ràng để hiện thực hóa cam kết về biến đổi khí hậu.

Ông cũng đề xuất 3 trọng tâm cho P4G trong thời gian tới, đó là: Tiếp cận tính hiệu quả chi phí và P4G sẽ kết nối từng nước "ươm" sáng kiến, chia sẻ cơ chế giảm thiểu rủi ro; việc tiếp cận nguồn vốn phải thực tế, chú trọng vào nhóm dễ bị tổn thương; cần hệ thống phân loại xanh, có dự án thí nghiệm hàng năm để thử nghiệm các giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho hay, Hà Lan sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cơ chế tài chính, hợp tác công-tư qua P4G, mở cơ hội mới cho nguồn vốn xanh vào Việt Nam.

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, để xây dựng một thị trường tài chính xanh hiệu quả, cần có khung pháp lý vững chắc, các công cụ chính sách linh hoạt và cơ chế hỗ trợ phù hợp. (Ảnh: Việt Hoàng)

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, để xây dựng một thị trường tài chính xanh hiệu quả, cần có khung pháp lý vững chắc, các công cụ chính sách linh hoạt và cơ chế hỗ trợ phù hợp. (Ảnh: Việt Hoàng)

4 ưu tiên chính sách

Là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thông tin, thành phố chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang xanh, chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách tăng trưởng xanh và số, học hỏi kinh nghiệm, cơ chế hợp tác hiệu quả của các quốc gia trên thế giới. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ, vai trò tiên phong của thành phố mang tiên bác trong tiến trình phát triển.

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương tiên phong phát triển tài chính xanh, là đối tác tin cậy của thế giới. "Với vai trò là trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư thông qua các cơ chế tài chính mới, quỹ đầu tư xanh, hợp tác công-tư xanh... trong lĩnh vực năng lượng, công trình xanh...", ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã lắng nghe các diễn giả đến từ các chính quyền địa phương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, quỹ đầu tư… Từ đó, đề xuất các giải pháp Việt Nam, các thành viên trong P4G và thế giới có những lộ trình, kế hoạch phù hợp, và đặc biệt là nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tài chính xanh.

Kết luận, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, để xây dựng một thị trường tài chính xanh hiệu quả, cần có khung pháp lý vững chắc, các công cụ chính sách linh hoạt và cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Đặc biệt, việc nâng cao khả năng huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế, tăng cường hợp tác công tư và phát triển các sản phẩm tài chính xanh là những nhiệm vụ mang tính đột phá.

Ngoài ra, việc hoàn thiện cấu trúc tài chính toàn cầu, khung chính sách tài chính quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động đúng, đủ, hiệu quả nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh là yếu tố cốt lõi mang tính quyết đảm bảo sự thành công cho chiến lược huy động vốn ở quy mô toàn cầu cũng như phạm vi quốc gia.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ, thời gian tới, ưu tiên chính sách cần tập trung vào 4 lĩnh vực sau:

Một là, hoàn thiện cấu trúc tài chính toàn cầu và hệ thống thể chế tài chính quốc gia để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính xanh.

Hai là, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong phát triển các sản phẩm tài chính xanh.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực công và tư nhân nhằm tối đa hóa nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh.

Bốn là, thúc đẩy minh bạch và nâng cao năng lực giám sát tài chính xanh để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

"Với sự quyết tâm của các quốc gia, sự đồng hành của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ cùng nhau tiến những bước dài trong chiến lược huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh.

Về phần mình, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực triển khai đầy đủ, thực chất các cam kết và luôn sẵn sàng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia nhằm hướng tới một khung khổ tài chính công bằng, công lý, bền vững cho tất cả các nước", Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 14-17/4.

Đây là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dinh-vi-lai-su-menh-vai-tro-cua-cac-dinh-che-tai-chinh-huy-dong-von-cho-hanh-trinh-tang-truong-xanh-toan-cau-311377.html