Đình công tại các nhà máy sản xuất ô tô Mỹ có thể kéo dài hơn nữa
Trong thông báo mới nhất của mình, công đoàn United Auto Workers (UAW) cho biết sẽ phát động thêm các cuộc đình công tại nhiều nhà máy khác ở Mỹ ngày 22/9 nếu các cuộc đàm phán với Ford, General Motors và Stellantis không có tiến triển.
Bắt đầu từ 15/9, UAW đã phát động các cuộc đình công đồng thời tại 3 nhà máy thuộc sở hữu của nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ bao gồm General Motors, Ford và công ty mẹ của Chrysler là Stellantis. Các cuộc đình công có liên quan đến tổng cộng 12.700 công nhân và diễn ra tại một nhà máy do Ford điều hành ở Wayne (bang Michigan), một nhà máy do GM điều hành ở Wentzville (bang Missouri) và một nhà máy sản xuất thương hiệu xe Jeep của Stellantis ở Toledo (bang Ohio).
Tuy nhiên tới hiện tại, các cuộc đàm phán vẫn không ghi nhận bất kỳ tiến triển nào trong khi đình công kéo dài tới ngày thứ 4. Cuối ngày 18/9, Reuters trích dẫn Chủ tịch UAW Shawn Fain tuyên bố: “Chúng ta sẽ không tiếp tục chờ đợi mãi trong khi họ tiếp tục kéo dài chuyện này”. Ông cho biết công đoàn sẽ tiếp tục tiến hành thêm các cuộc đình công tại các nhà máy khác vào 22/9 nếu không có tiến triển nào được ghi nhận.
Các nhà phân tích dự đoán các nhà máy sản xuất các mẫu xe bán tải có lợi nhuận cao như F-150 của Ford, Chevy Silverado của GM và Ram của Stellantis sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu cuộc đình công tiếp diễn.
Đình công đánh dấu đỉnh điểm của cuộc xung đột nhiều tuần giữa các giám đốc điều hành của Ford, GM và Stellantis với UAW trong bối cảnh công đoàn yêu cầu lợi nhuận lớn hơn cũng như yêu cầu đảm bảo việc làm cho người lao động khi các nhà sản xuất ô tô điện hóa phương tiện của mình.
UAW đang yêu cầu mức tăng lương 40% trong khi các công ty chỉ đưa ra đề nghị tăng lương 20% không đi kèm các lợi ích mà công đoàn yêu cầu. Đặc biệt, không có nhà sản xuất nào đồng ý với việc loại bỏ hệ thống trả lương theo cấp độ - một yêu cầu trọng tâm của UAW. Hệ thống trả lương này sẽ yêu cầu những người mới được tuyển dụng phải làm việc trong 8 năm để có mức lương tương đương với những công nhân kỳ cựu.
Nhận định về tác động cuộc đình công, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết còn quá sớm để dự báo ảnh hưởng đối với nền kinh tế do điều này phụ thuộc vào thời gian diễn ra cuộc đình công và những gì bị ảnh hưởng. Trước mắt, Ford đã cho 600 công nhân không đình công tại nhà máy Michigan Bronco của mình tạm dừng công việc do ảnh hưởng của đình công trong khi GM dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động tại nhà máy ô tô ở Kansas từ 18/9 vì cuộc đình công tại nhà máy ở Missouri gần đó, gây ảnh ảnh hưởng đến 2.000 công nhân.
Mặt khác, tại Canada, hợp đồng của Ford với công đoàn Unifor của Canada đại diện cho khoảng 5.600 công nhân tại ba nhà máy ở Canada, cũng vừa hết hạn cuối ngày 18/9. Đầu ngày 19/9, Unifor cho biết sẽ kéo dài các cuộc đàm phán thêm 24 giờ sau khi nhận được "lời đề nghị thực chất" từ Ford.
Unifor đang tìm kiếm sự cải thiện về tiền lương và lương hưu cũng như hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang xe điện và các cam kết đầu tư bổ sung của Ford. Sau khi thỏa thuận với Ford hoàn tất, Unifor sẽ chuyển sang đạt được các thỏa thuận với GM và Stellantis.
Tuy nhiên, công đoàn cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng sẵn sàng đình công. Ngày 18/9, Chủ tịch Unifor National Lana Payne cho biết: “Chúng tôi đóng góp một phần nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Ford ở Bắc Mỹ và đây là đòn bẩy của chúng tôi và chúng tôi sẽ sử dụng nó”.
Ford hiện có hai nhà máy Canada chuyên sản xuất động cơ V-8 cho dòng xe bán tải F-series và Super Duty được lắp ráp tại Mỹ. Do đó, bất kỳ cuộc đình công nào của công nhân Canada tại các nhà máy sản xuất động cơ trên đều có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất của Ford ở Mỹ ngay cả khi UAW quyết định không đình công tại nhà máy ở bang Kentucky, ở Dearborn, bang Michigan và ở thành phố Kansas, bang Missouri.