Điều kiện để doanh nghiệp vay vốn nước ngoài 'dễ thở' hơn
Những quy định mới về điều kiện vay vốn nước ngoài đã giúp doanh nghiệp 'dễ thở' hơn như: Không yêu cầu so sánh chi phí vay khi cơ cấu nợ nước ngoài; Không yêu cầu các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm phải tuân thủ điều kiện vay...
Từ hôm nay (15/8), Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định điều kiện vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có hiệu lực, gỡ vướng cho doanh nghiệp trong vay vốn từ nước ngoài nhằm phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế thời gian gần đây.
Cụ thể, Thông tư 08 nêu rõ, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm: người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam - nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
Cùng với đó, Thông tư 08 cũng quy định, bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không phải tuân thủ các điều kiện vay nước ngoài quy định tại thông tư này.
Về nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài, Thông tư 08 quy định bên đi vay chịu trách nhiệm toàn diện trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích hợp pháp quy định tại thông tư này.
Trường hợp khoản vay đã được rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay nước ngoài hợp pháp, bên đi vay có thể gửi nguồn tiền này tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi tối đa không quá 1 tháng.
Bà Hoàng Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng Quản lý vay và cho vay nước ngoài, Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) nhấn mạnh, Thông tư 08 so với Thông tư 12 đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện vay nước ngoài như: Không yêu cầu so sánh chi phí vay khi cơ cấu nợ nước ngoài; Không yêu cầu các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm phải tuân thủ điều kiện vay; Bổ sung quy định rõ về phương án sử dụng vốn vay, phương án cơ cấu khoản vay; tỷ giá tính toán giới hạn vay,…
Thông tư 08 không thay đổi phương thức quản lý đối với cả khoản vay nước ngoài ngắn hạn và trung dài hạn, giảm 01 thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam và không làm phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào so với Thông tư 12. Việc quy định rõ ràng điều kiện vay nước ngoài tại Thông tư này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc huy động vốn vay nước ngoài vào sản xuất kinh doanh trong phạm vi hợp lý và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, thời gian gần đây, NHNN đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản về quản lý ngoại hối nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ, hoàn chỉnh, bám sát thị trường, đảm bảo mục tiêu quản lý ngoại hối an toàn, hiệu quả. Trong quá trình thực thi các văn bản này, NHNN cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các TCTD, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngoại hối.
Vì vậy, với vai trò là tổ chức cung ứng dịch vụ tài khoản cho khách hàng, cũng là bên đi vay nước ngoài, các TCTD cần nâng cao trách nhiệm trong việc nắm bắt đúng quy định, xây dựng quy trình triển khai thống nhất trên toàn hệ thống; phổ biến, hướng dẫn khách hàng hiểu và tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối nói chung và quy định về vay trả nợ nước ngoài tự vay tự trả nói riêng.
Ông Đào Xuân Tuấn đề nghị các TCTD nâng cao trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản khi thực hiện nghiệp vụ thanh toán, chuyển tiền trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn; Lưu trữ hồ sơ, chứng từ khi thực hiện cung ứng dịch vụ tài khoản, phục vụ quá trình thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý; Hướng dẫn khách hàng tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối, thực hiện giao dịch chuyển tiền đúng quy định.