Điều gì xảy ra với cơ thể khi 'nghiện ngọt'

Từ miệng, gan, tuyến tụy, não bộ đến từng khớp xương của cơ thể đều bị ảnh hưởng tiêu cực khi con người ăn bánh kẹo hoặc uống nước ngọt quá nhiều, theo The New York Times.

 Hầu hết các cơ quan quan trọng của cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi đường. Ảnh: Freepik.

Hầu hết các cơ quan quan trọng của cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi đường. Ảnh: Freepik.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đường tự nhiên trong trái cây, rau củ và các loại thực vật cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Chúng là một trong những nguồn năng lượng thiết yếu giúp các cơ quan vận hành hiệu quả.

Giờ đây, khi đường được tinh luyện thành các dạng mạnh mẽ hơn và được thêm vào những loại thực phẩm như nước ngọt, kẹo, sốt salad, bánh mì… Đa số tiêu thụ lượng đường cao hơn khả năng xử lý của cơ thể.

Theo thời gian, lượng đường dư thừa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan nội tạng, não, miệng và cả khớp xương. Các bệnh về tim mạch, tiểu đường, gout, béo phì… cũng từ đó mà hình thành. Và từng phần cơ thể cũng phản ứng khác nhau khi con người ăn, uống đồ ngọt vượt mức cho phép.

Miệng

Miệng là một trong những cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên khi đường xâm nhập vào cơ thể. Vi khuẩn trong khoang miệng có khả năng chuyển đường thành axit làm mòn men răng.

Nước bọt có khả năng trung hòa axit. Song, nếu con người ăn hoặc uống sản phẩm có nhiều đường liên tục, tác dụng của nước bọt sẽ giảm mạnh. Cường độ axit khoang miệng duy trì ở mức cao cũng làm tăng nguy cơ sâu răng.

Các loại nước chứa hàm lượng đường cao như soda, nước ép có thể thay đổi hệ vi sinh vật trong khoang miệng theo hướng tăng lượng vi khuẩn tạo axit gây hại và giảm lợi khuẩn. Răng miệng cũng từ đó mà dễ bị sâu, hư hại.

 Các loại nước chứa hàm lượng đường cao có thể thay đổi hệ vi sinh vật trong khoang miệng theo hướng tiêu cực.

Các loại nước chứa hàm lượng đường cao có thể thay đổi hệ vi sinh vật trong khoang miệng theo hướng tiêu cực.

Ruột

Đa số đồ ngọt chứa nhiều loại đường khác nhau. Khi đến khoang ruột, các loại đường này sẽ được chuyển hóa thành đường đơn, chủ yếu là glucose và fructose. Cơ thể người có thể dễ dàng hấp thụ glucose.

Tuy nhiên, fructose là một “kẻ khó chịu”. Nhiều người gặp vấn đề trong việc hấp thụ fructose để tạo ra năng lượng. Loại đường đơn này thường có hàm lượng cao trong nước ép trái cây, siro. Và nếu bị kẹt lại trong ruột, fructose có thể lên men, tạo khí gas gây đầy hơi và đau bụng.

Trẻ em thường khó hấp thụ fructose hơn người trưởng thành. Song, loại đường này có thể gây hội chứng ruột kích thích ở mọi lứa tuổi.

Tuyến tụy

Ăn hoặc uống thực phẩm chứa đường sẽ làm tăng đường huyết. Lúc này, tuyến tụy sẽ sinh ra insulin giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng từ glucose và giúp đường huyết trở lại bình thường.

Khi quá trình này lặp lại trong thời gian dài, cơ thể sẽ ít phản ứng với insulin, hay còn gọi là kháng insulin. Để bù lại, tuyến tụy phải sản xuất lượng insulin gấp nhiều lần. Đến cuối cùng, insulin trở nên vô dụng, không thể ổn định đường huyết. Đây là lúc cơ thể mắc bệnh tiểu đường type 2.

Não

Glucose cung cấp năng lượng cần thiết để não hoạt động. Khi đường huyết tăng, các phân tử glucose sẽ tiến vào não và tế bào ở đây sẽ dùng chúng để tạo ra năng lượng.

Đường huyết tăng đột ngột buộc tuyến tụy sản xuất lượng lớn insulin kích thích cơ thể hấp thụ đường, làm chỉ số glucose giảm mạnh trong 1-2 giờ sau đó. Quá trình này có thể làm con người cảm thấy mệt mỏi, đói bụng và thèm đồ ngọt.

 Tiêu thụ quá nhiều đường gây tác động xấu đến nhiều cơ quan nội tạng, não và khớp xương.

Tiêu thụ quá nhiều đường gây tác động xấu đến nhiều cơ quan nội tạng, não và khớp xương.

Mỗi khi ăn thực phẩm chứa đường hoặc thậm chí là chỉ cần nhìn, ngửi thấy đồ ngọt, não sẽ tiết ra dopamine (hormone mang lại niềm vui và cảm giác hài lòng tức thời) để kích thích con người ăn uống và dự trữ calories.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn đường thường xuyên sẽ thay đổi cơ chế sản xuất dopamine của não và làm con người ngày càng nghiện đồ ngọt.

Gan

Là cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể, gan có khả năng chuyển hóa đường dư thừa, đặc biệt là fructose, thành chất béo. Lâu ngày, hợp chất này sẽ tích tụ quanh cơ quan nội tạng, dẫn đến gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa.

Các số liệu cho thấy cứ 10 người trên thế giới thì có 4 người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Nhiều người không biết mình đang bị bệnh vì gan nhiễm mỡ không có triệu chứng ban đầu, chỉ gây hại khi bệnh tình đã chuyển nặng. Đây là lý do nhiều ngày càng nhiều người Mỹ cần được ghép gan.

 "Calories dạng lỏng" là một trong những nguyên nhân phổ biến gây béo phì, tiểu đường.

"Calories dạng lỏng" là một trong những nguyên nhân phổ biến gây béo phì, tiểu đường.

Chất béo dự trữ

Khi uống quá nhiều “calories dạng lỏng” như soda, cà phê có đường, con người dễ bị béo phì hơn ăn đồ ngọt. Loại calories này không giúp họ cảm thấy no mà chỉ thỏa mãn cơn thèm đường nhất thời.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chất béo dư thừa, hình thành trong quá trình gan chuyển hóa fructose, dễ tích tụ xung quanh cơ quan nội tạng dưới bụng. Từ đó, các bệnh tiểu đường, tim mạch cũng dễ xuất hiện.

Tim

Ăn và uống đồ ngọt quá nhiều dễ gây cao huyết áp. Và chất béo dư thừa ở vùng gan có thể được giải phóng vào máu, làm tăng các loại cholesterol xấu. Về lâu dài, các mạch máu sẽ bị tắc nghẽn dẫn đến huyết áp và cholesterol tăng cao, thừa cân và bệnh tim mạch.

Khớp xương

Đường trong cơ thể quá cao dễ gây bệnh gout, một dạng phức tạp của bệnh viêm khớp. Căn bệnh này gây đau nhức, sưng viêm ở vùng khớp xương, đặc biệt là khớp ngón tay, chân và đầu gối. Khi fructose hòa tan tại gan, nó cũng tạo ra axit uric. Loại axit này đặc biệt dễ tích tụ ở các khớp xương với khả năng gây viêm khớp, đau nhức dữ dội.

Hạ Đan

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/day-la-co-the-chung-ta-khi-nghien-ngot-post1508062.html