2 người nhập viện vì ngộ độc khi ăn hoa chuông

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn thông tin, tiếp nhận và điều trị trường hợp 2 nam bệnh nhân ngộ độc khi ăn hoa chuông.

Khai thác thông tin, vào khoảng 19h cùng ngày, người bệnh D (39 tuổi, Lạng Sơn) cùng gia đình ăn hoa chuông. Sau đó, một người cùng ăn xuất hiện nôn nhiều, yếu tứ chi, gọi hỏi không trả lời. Thấy vậy, bệnh nhân D đưa bạn đi cấp cứu.

Nhưng trên đường đi, người bệnh D hoa mắt, yếu cơ tứ chi xong tự ngã xe, bất tỉnh. Sau đó, anh D được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu .

Bác sĩ thăm khám và điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Thời điểm viện, người bệnh hôn mê, da lạnh, tím tái toàn thân, vùng bẹn chảy máu, tràn khí dưới da vùng cổ, ngực, tay và thành bụng hai bên. Bệnh nhân D được chẩn đoán: Ngộ độc hoa chuông – Tràn khí màng phổi – Chấn thương vùng bẹn bìu.

Hiện, bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Người bạn cùng ăn hoa chuông hiện tại tỉnh, sức khỏe tiến triển tốt và dự kiến sẽ xuất viện trong hôm nay.

Trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp ngộ độc do ăn hoa chuông (trường hợp 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình). Đến nay, tình trạng này lại xuất hiện bởi cây hoa chuông là loại cây dại, khá phổ biến ở Lạng Sơn.

Cây hoa chuông chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lạng sơn cho biết, cây hoa chuông (tên khoa học: Scopolamine) là loại cây thân thảo, có hoa trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng. Loại cây này thường được nhiều người thường lấy về trồng làm cảnh.

Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của loài hoa này đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc. Độc tính của cây hoa chuông do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa…

Do đó, khi bị ngộ độc thường có biểu hiện: nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không hái các loại hoa, cây rừng về ăn hoặc làm thuốc khi chưa hiểu rõ về độc tính của cây để tránh xảy ra tai nạn. Trường hợp phát hiện có người không may ăn nhầm có dấu hiệu ngộ độc, cần dùng biện pháp sơ cứu nôn tại chỗ, sau đó đưa đến cơ sở y tế nên gần nhất xử trí để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/2-nguoi-nhap-vien-vi-ngo-doc-khi-an-hoa-chuong-post396583.html