Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô 2021-2030 tầm nhìn 2050 đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thẩm định kết luận đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 13/1, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm trưởng đoàn, đã giám sát chuyên đề tại UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: HNP

Bài liên quan

Hà Nội: Sau 2 tháng vận hành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đón 1 triệu hành khách

Đan Phượng (Hà Nội): Dấu hiệu rút ruột công trình tại Dự án đường nhánh N6?

Chuyên gia ''hiến kế'' khi F0 tại TP Hà Nội liên tục tăng

Hà Nội: Gần 50 nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường cầu cứu vì bị nợ lương

Cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô

Báo cáo tổng hợp bước đầu kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết: Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và Thường trực HĐND Thành phố đã phối hợp làm việc trực tiếp với 3 sở: Kế hoạch Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên Môi trường và 4 quận, huyện: Thạch Thất, Gia Lâm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, đồng thời, nghiên cứu báo cáo của UBND thành phố và của các quận, huyện, thị xã.

Đoàn giám sát đánh giá, công tác quy hoạch nói chung và công tác triển khai thực hiện Luật Quy hoạch được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội quan tâm lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, với cách làm thận trọng đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp với đặc thù Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô bền vững với tầm nhìn dài hạn.

UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. “Nhìn chung, các kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện các quy hoạch, quy chế được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện lập, phê duyệt các quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các quy định hiện hành có liên quan” - ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết.

Ông Nguyễn Nguyên Quân báo cáo tổng hợp bước đầu kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch. Ảnh: HNP

Đến nay, thành phố cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thẩm định kết luận đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 1/2022.

Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành triển khai lập, thẩm định, phê duyệt Đề án quy hoạch trong năm 2022.

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai công tác xây dựng quy hoạch, từ năm 2012 đến nay, đã phê duyệt 66/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (cấp 2): Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đạt 97,78%, quy hoạch phân khu đô thị trung tâm đạt 83,86% (tính chung tỷ lệ đạt 95,05%), triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 8/9 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, một khối lượng lớn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù.

UBND Thành phố đã phê duyệt 39 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị với tổng diện tích khoảng 539,9ha. Thành phố đã phê duyệt 15 đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết (tương đương lập mới) với tổng diện tích 322,7ha và 65 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 966,6ha.

Về quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch nông thôn, giai đoạn 2016 đến nay, các xã và huyện tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung đối với các quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện; lập Quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và trung tâm xã.

Tổng số 308 xã phải lập quy hoạch chung xây dựng, trong đó, 293 xã (95,12%) đã hoàn thành phê duyệt; 6 xã đang thực hiện lập, chưa phê duyệt (1,94%) và 9 xã chưa lập quy hoạch (2,92%) thuộc huyện Gia Lâm…

Đồng tình với dự thảo báo cáo được trình bày tại buổi làm việc, các đại biểu nhận định, trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND; các sở, ban, ngành, quận, huyện đã nghiêm túc thực hiện Luật Quy hoạch. Việc đầu tư, đôn đốc, tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch đã được quan tâm, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn, được cử tri và nhân dân đánh giá phù hợp với định hướng phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Do đó, Thành phố cần rà soát, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, để có các biện pháp, giải pháp thực hiện, đảm bảo tiến độ thời gian theo yêu cầu.

Một trong những vấn đề đại biểu rất quan tâm là vấn đề công khai quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cắm mốc giới cũng như vấn đề nguồn lực, trách nhiệm rà soát, tính đồng bộ của quy hoạch trong điều kiện khó khăn là quy hoạch chung quốc gia chưa được phê duyệt…

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HNP

Tập trung làm rõ những vấn đề trọng tâm cần sửa đổi

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, nếu làm tốt sẽ tạo hành lang cho sự phát triển, ngược lại sẽ làm kìm hãm sự phát triển.

“Thông qua giám sát, UBND thành phố coi đây là cơ hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để chuẩn hóa toàn bộ hệ thống pháp luật về quy hoạch, đồng thời, khắc phục nhưng tồn tại, hạn chế riêng có về quy hoạch đối với Thủ đô”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, thành phố cũng đang triển khai 5 nhiệm vụ quan trọng.

Trong đó bao gồm tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô và tổng kết Nghị quyết số 11/NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết việc thực hiện song song các nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô gặp khó khăn, vướng mắc do chưa rõ chủ thể. Đối với 14 nội dung còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Luật Quy hoạch đã được đoàn giám sát chỉ ra, ông Chu Ngọc Anh cho biết UBND thành phố sẽ tập trung làm rõ những vấn đề trọng tâm cần sửa đổi trong quy định pháp luật, báo cáo đoàn giám sát.

“Vấn đề gì thuộc thẩm quyền, thành phố sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, như đơn giản hóa thủ tục hành chính, xã hội khóa nguồn vốn thực hiện quy hoạch…”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: HNP

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Việc triển khai các công việc liên quan quy hoạch Thủ đô có ý nghĩa rất quan trọng với Thành phố Hà Nội, nhất là trong điều kiện mới hiện nay cần xem xét những vấn đề nêu ra còn phù hợp không, nội dung gì cần rà soát điều chỉnh.

“Đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát, tích hợp, bổ sung, điều chỉnh trong quá trình thực hiện để phù hợp sự phát triển Thủ đô trong tình hình mới, trong đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải có vai trò đầu tàu. Trong quá trình này, cần chú trọng đảm bảo cả 2 tiêu chí chất lượng và tiến độ.

Để đảm bảo tiến độ, cần lập biểu ngang một cách cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng các nhóm công việc, định lượng một các phù hợp. Việc lựa chọn tư vấn cũng rất quan trọng. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, UBND Thành phố cũng như các sở, ngành, quận, huyện cần kịp thời phản ánh, lãnh đạo Thành phố luôn đồng hành, tháo gỡ kịp thời. Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố sẽ cùng cộng đồng trách nhiệm” - Chủ tịch HĐND Thành phố nêu rõ.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dieu-chinh-quy-hoach-thu-do-2021-2030-tam-nhin-2050-du-dieu-kien-trinh-thu-tuong-chinh-phu-post177172.html