Điều chỉnh chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế là rất cấp bách

Chiều 26-10, tại tổ đại biểu (ĐB) TPHCM, ĐB Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, điều chỉnh chế độ phụ cấp cho cán bộ, nhân viên ngành y tế là rất cấp bách. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đồng ý quan điểm này.

ĐB Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại phiên họp tổ ĐBQH TPHCM chiều 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại phiên họp tổ ĐBQH TPHCM chiều 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn thực hiện theo Quyết định 73 từ năm 2011, đến nay đã 13 năm, nên rất lạc hậu.

ĐB dẫn chứng, mức phụ cấp trực 24/24h là 115.000 đồng/người, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt.

“Tổng mức phụ cấp cho toàn kíp mổ một ca hạng đặc biệt kéo dài từ 6-8 tiếng chỉ 1.480.000 đồng, quá thấp. Một ca ghép thận hay phẫu thuật tim đòi hỏi kỹ thuật rất cao, bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ gây mê chính được bồi dưỡng 280.000 đồng; hai bác sĩ phụ mổ, kỹ thuật viên gây mê 200.000 đồng; điều dưỡng giúp việc 120.000 đồng”, ĐB Nguyễn Tri Thức dẫn chứng.

Qua đó, ông mong Chính phủ chỉ đạo để ngành y tế trình dự thảo nghị định điều chỉnh mức phụ cấp cho nhân viên y tế.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: “Các ngành khác còn có sản phẩm. Riêng giáo dục và y tế nếu để tự lo hoàn toàn thì giáo dục sẽ ăn trên học sinh và y tế ăn trên người bệnh, nói thẳng là như vậy. Nên, chúng ta không thể để tự lo được. Cá nhân mỗi người phải chịu trách nhiệm về những lệch lạc, sai phạm của mình, nhưng xã hội phải tạo điều kiện cho họ sống được bằng nghề”.

 ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu

ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu

Tại tổ ĐBQH tỉnh Yên Bái, thừa nhận thực tiễn vẫn còn bất cập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trên tinh thần Kết luận 83.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, dù khó khăn nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỷ đồng và đến năm 2026 là 930.000 tỷ đồng cho điều chỉnh tiền lương. Nhìn tổng thể, vừa qua, đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, mức tăng lên 50,8%, trong đó, năm nay là 30%. Đây là sự nỗ lực rất lớn.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, đến năm 2026 sẽ đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó, tiếp tục thực hiện cho phù hợp. Còn việc có điều chỉnh lương cơ sở hàng năm hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước.

“Năm 2025, có thể tạm dừng lại và sau đó, điều chỉnh với một số đối tượng. Đến 2026, chúng ta sẽ tiếp tục có điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công, nhằm đảm bảo tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Tới đây, Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát một số đối tượng bất cập trên thực tiễn như nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế.

"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành. Làm sao đảm bảo với những đối tượng mang tính đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, đảm bảo được đời sống của họ một cách tốt hơn", Bộ trưởng khẳng định.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dieu-chinh-che-do-phu-cap-doi-voi-nhan-vien-y-te-la-rat-cap-bach-post765446.html