Địa ốc Hoàng Quân (HQC) 'chơ vơ' sau khi đại cổ đông chốt lãi
Sau chu kỳ tăng giá phi mã, cổ đông lớn của Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân là Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Quân (mã HQC, sàn HOSE) và Chủ tịch nhanh tay thoát hàng. Sự tháo lui của các đại cổ đông diễn ra ngay sau thời điểm lợi nhuận vừa sụt giảm trong quý III và 9 tháng, đồng thời doanh nghiệp cũng có xu hướng bị chiếm dụng vốn nhiều hơn.
HQC tăng chóng mặt, đại cổ đông chốt lãi
Tập đoàn Hoàng Quân mua hơn 38,2 triệu cổ phiếu từ năm 2017 với giá mua thời điểm đó chỉ là 2.600 đồng/cổ phiếu. Năm 2020, Tập đoàn Hoàng Quân đã bán ra bớt 8,1 triệu cổ phiếu HQC và trong giai đoạn tháng 11 và đầu tháng 12, đại cổ đông này đã thoái tiếp 27 triệu cổ phiếu và số cổ phiếu còn lại chỉ là 0,65%.
Tập đoàn Hoàng Quân là tổ chức liên quan đến nhiều thành viên chủ chốt của HQC. Trong đó, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HQC đã góp trên 10% vốn điều lệ tại tập đoàn này. Các thành viên Hội đồng quản trị là bà Nguyễn Thị Diệu Phương và ông Trương Đức Hiếu mỗi người cùng đều góp 10% vốn điều lệ tại Tập đoàn Hoàng Quân.
Địa ốc Hoàng Quân (HQC) “chơ vơ” sau khi đại cổ đông chốt lãi
Tasco (HUT) miễn nhiệm hàng loạt nhân sự chủ chốt sau khi thay chủ tịch Hải Phát Invest (HPX) thoái vốn khỏi công ty con bất động sau khi dòng tiền âm nặng Bước đi mới của KPF sau khi thoái vốn tại công ty con
Không chỉ cổ đông lớn là Tập đoàn Hoàng Quân, trước đó ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng thoái 24 triệu cổ phiếu vào tháng 11/2021 và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 3,43%. Theo đó, ông Tuấn hiện cũng không còn là cổ đông lớn của công ty.
Động thái thoái vốn của đại cổ đông Tập đoàn Hoàng Quân và Chủ tịch Hội đồng quản trị diễn ra đúng thời điểm cổ phiếu vừa trải qua một chu kỳ tăng giá ngoạn mục.
Hồi đầu tháng 10, cổ phiếu HQC chỉ ở mặt bằng giá dưới 4.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó bước vào một giai đoạn tăng giá ngoạn mục và đến tháng 12 đã vượt lên mốc trên 8.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, HQC đã tăng giá gấp đôi chỉ trong vòng 2 tháng.
Với giá gốc Tập đoàn Hoàng Quân mua vào là 2.600 đồng/cổ phiếu và bán ra ở mức trung bình khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu, 27 triệu cổ phiếu vừa bán ra đem lại cho Tập đoàn Hoàng Quân khoản lãi khoảng xấp xỉ 120 tỷ đồng nhờ buôn cổ phiếu HQC.
Riêng cá nhân ông Tuấn, số cổ phiếu vừa bán ra được ông mua vào khoảng giữa năm 2019, tại thời điểm đó thị giá cổ phiếu này là khoảng 1.400 – 1.500 đồng/cổ phiếu và bán ra vào tháng 11/2021, giá bình quân khi đó khoảng trên 5.000 đồng/cổ phiếu (ông Tuấn bán trước thời điểm Tập đoàn Hoàng Quân bán ra). Theo đó, “thương vụ” đem lại cho ông Chủ tịch HQC khoản lãi khoảng 80 - 90 tỷ đồng.
Lãi giảm, vốn bị chiếm dụng nhiều hơn
Với vai trò là một công ty có liên quan đến nhiều thành viên chủ chốt - gồm cả Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị - việc rút lui thoát hàng chóng vánh của Tập đoàn Hoàng Quân có thể ít nhiều để lại những hẫng hụt trong một số cổ đông nhỏ. Chưa kể, sự rút lui này cũng còn diễn ra cùng với việc chính bản thân Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng thoát hàng để chốt lời.
Trong khi đó, kinh doanh của HQC trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021 cũng không phải là thời kỳ thuận lợi cho lắm.
Quý III/2021, doanh thu thuần của HQC đạt khá khiêm tốn với 29 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 206 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế quý III/2021 đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm 65% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Điều đáng chú ý là trong bối cảnh quy mô doanh thu đang trong trạng thái thu hẹp như các con số được thể hiện ở trên, thì các khoản phải thu vẫn tăng lên. Cụ thể, các khoản phải thu đã tăng từ 2.882 tỷ đồng hồi đầu năm lên 3.053 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021. Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng cũng tăng từ 1.304 tỷ đồng đầu năm, lên mức 1.381 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021.
Mức tăng tính về giá trị tuyệt đối tuy không lớn, nhưng do doanh thu sụt giảm mạnh nên chỉ số vòng quay các khoản phải thu của doanh nghiệp đang có xu hướng bị chậm lại khá rõ.
Hệ số vòng quay khoản phải thu là một cách tính trong kế toán để kiểm tra độ hiệu quả của công ty trong việc thu hồi khoản phải thu và tiền nợ của khách hàng. Tỷ lệ này cho thấy mức độ hiệu quả của một công ty trong khả năng thu hồi nợ ngắn hạn.
Vòng quay các khoản phải thu được tính bằng doanh thu trong kỳ chia cho bình quân các khoản phải thu (đầu kỳ - cuối kỳ). Áp dụng vào trường hợp cụ thể là HQC, hệ số vòng quay các khoản phải thu ngắn hạn cho kỳ kế toán 9 tháng đầu năm 2020 của HQC là 0,12 vòng; còn cho kỳ kế toán 9 tháng đầu năm chỉ còn 0,07 vòng.
Khái lược lại các con số kinh doanh và tài chính của HQC trong 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, doanh nghiệp không những đang bị rơi vào trạng suy giảm quy mô kinh doanh và hiệu quả lợi nhuận, mà còn đang có xu hướng bị chiếm dụng vốn nhiều hơn.
Giá trị một số tài sản cơ bản của của HQC tại ngày 30/9/2021 (tỷ đồng)