Di sản Huế 'đi mây về gió' giữa lòng Hà Nội

'Lối gió đường mây', triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Nguyễn Hóa, đem đến không gian sơn son thếp vàng, mang đậm màu sắc cố đô Huế.

Triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Lối gió đường mây của nghệ sĩ Nguyễn Hóa dẫn người xem vào một không gian sơn son thếp vàng mang đậm dấu ấn lịch sử của mảnh đất cố đô Huế. Sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế, Nguyễn Hóa chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của văn học, hội họa, kiến trúc xứ này. Tên triển lãm lấy cảm hứng từ 2 câu thơ nổi tiếng trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.

Được đào tạo bài bản về điêu khắc, Nguyễn Hóa tiếp tục vận dụng kỹ thuật chạm khắc trong quá trình sáng tạo, chế tác khung tranh. Khung gỗ được khắc tạc kỳ công cũng được xem là một phần tác phẩm. Ngoài sơn mài, nghệ sĩ vận dụng nhiều chất liệu thiên nhiên như gỗ, than hay đá đồi cho triển lãm này.

Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đầu tiên là khối điêu khắc nằm ở chính giữa không gian triển lãm. Với tên gọi là Công việc cho năm mới, tác phẩm này bao gồm 2 phần. Khối gỗ mít được quấn đồng, thép, sắt đặt trên chiếc hộp thủy tinh, tạo ra sự tương phản giữa vật thể xù xì, thô ráp ở trên và tạo vật mong manh, dễ vỡ ở dưới.

Tác phẩm nghệ thuật thứ 2 mang tên Mây lang thang. Phần khung sơn son thếp vàng từng được nghệ sĩ mang đi tham dự triển lãm tại Chiang Mai (Thái Lan). Phiên bản xuất hiện tại Lối gió đường mây được gài gắm thêm những bó hoa cúc vàng, gia tăng sự cổ kính, mang màu sắc hoài niệm. Tác phẩm được tạo tác như những đám mây bay lơ lửng giữa không gian Mơ Art Space.

Những bức tranh sơn mài tại triển lãm đều mang tên Cảnh, đặt điểm nhìn qua khung cửa sổ, hướng ra một cảnh huống, cảnh chí, phong cảnh bên ngoài. Hình tượng ô vuông trải dài trong một số tác phẩm, tái hiện hình ảnh những ô cửa sổ nhỏ trên cổng của các lăng tẩm, di tích tại cố đô Huế. Đối với nghệ sĩ, chi tiết này mang ý nghĩa lịch sử, truyền thống và tâm linh.

Một hình tượng khác thu hút sự chú ý trong tranh Nguyễn Hóa là cái kén. Không chỉ phản ánh di tích, cảnh sắc bên ngoài, người nghệ sĩ còn tự họa chính mình qua hình ảnh kén. Chủ thể này diễn tả mong muốn bứt phá, tháo bỏ sự ràng buộc, lột xác của nghệ sĩ đến từ xứ Huế. Đây là cách biểu hiện bản thân đầy ý nhị, tinh tế của người con miền Trung.

Nghệ sĩ sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống để tạo ra màu đen, màu cánh gián hay màu vàng lá cho các tác phẩm. Quá trình thực hành nghệ thuật với sơn mài được đánh giá là tương đối vất vả do chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết và khí hậu.

26 tác phẩm bao gồm tranh sơn mài và tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được thực hiện từ năm 2015 đến nay. Một số tác phẩm mang dấu ấn thời gian, cần tạo tác trong nhiều năm. Ví dụ, khối điêu khắc Công việc cho năm mới được làm trong gần một thập kỷ, cho thấy phong cách làm nghệ thuật cần mẫn, miệt mài, chậm rãi của người làm nghệ thuật xứ Huế.

“Nguyễn Hóa lựa chọn sơn mài, một chất liệu ‘đo ni đóng giày’ cho quá trình thực hành thong dong điềm tĩnh vốn có của bản thân. Xuyên suốt loạt tác phẩm lần này, các chi tiết kiến trúc cổ đóng vai trò như một khung hình - một phép ẩn dụ ý nhị về lề thói và xung đột, bóc tách những cảnh tượng, lễ nghi, thói quen và quy tắc không chỉ về lịch sử và di sản, mà còn về chính cơ cấu tồn tại mà bất kỳ nghệ sĩ nào sống và làm việc ở cố đô Huế đều tất yếu mang theo”, giám tuyển Đỗ Tường Linh chia sẻ về triển lãm.

Triển lãm Lối gió đường mây mở cửa từ 16/12/2023 đến 28/01/2024 tại Mơ Art Space (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Linh Vũ - Thụy Trang

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-san-hue-di-may-ve-gio-giua-long-ha-noi-post1454879.html