Từ gánh hàng sách của bà 'đồng nát'...

Một lần, tôi thấy trong gánh hàng của bà đồng nát đỗ trước cửa nhà mình có nhiều sách mới. Tôi có ý xem, định nếu có cuốn nào đọc được sẽ mua vì bà bán rất rẻ, không như giá bìa bởi bà mua của người ta theo cân chứ không theo giá từng cuốn (3.000 đồng/kg). Tôi thấy có nhiều cuốn của nhiều tác giả nổi tiếng, bản thân tôi có quen. Tiểu thuyết có, thơ có. Và cả những sách nghiên cứu, khảo luận. Tác giả sách ghi tặng các đối tượng những dòng chữ rất trân trọng.

1. Nhiều cuốn sách của bà đồng nát rất mới, vừa ra lò, còn thơm mùi mực in, chưa có một chút vết sờn, nhàu nào, chứng tỏ chưa có ai đọc. Cũng tức là người được tặng thậm chí còn không để ý sách có nội dung gì chứ chưa nói là không đọc, được tặng rồi bán cân luôn. Trong số những người được tặng, có vài người là văn nghệ sĩ, cũng là những tác giả, tôi có quen. Sau đó, có dịp gặp họ, tôi kể lại việc trên. Họ nói với tôi:

- Thì ông tính, họ viết nhiều lắm, ra cuốn nào là tặng tôi liền. Thì giờ đâu mà đọc. Ngay sách của tôi cần đọc lại còn không có thời gian nữa là.

Xây dựng văn hóa đọc từ lứa tuổi học sinh. (ảnh minh họa)

Vì biết tác giả những cuốn sách đó là người từng có những sáng tác hay nên tôi đã nói với người bạn kia:

- Cuốn tiểu thuyết... được lắm đấy. Tôi đã mua lại để đọc. Rẻ quá. Bà ta chỉ lấy tôi 10 nghìn đồng!

Như vậy là ông bạn tôi đã không đọc qua cuốn sách một chữ nào đã đem đi bán cân.

Tôi hỏi bà đồng nát:

- Bà mua những sách này rồi lại bán đi đâu hay dùng vào việc gì?

Bà ta trả lời:

- Gặp ai mua như anh thì tôi bán. Nhưng, ít lắm. Chủ yếu tôi bán lại cũng theo cân để người ta tái chế gì đó. Tôi bán hơn giá mua một chút để có lãi.

Như vậy là có rất nhiều cuốn sách mới in ra, chưa được bất cứ ai đọc, trừ tác giả, mà tác giả thì cũng chỉ đọc một cuốn, rồi lại trở về chỗ tái chế. Không có chút giá trị phục vụ nào, rất lãng phí.

Từ sự việc trên, tôi cứ suy nghĩ mãi và thấy chạnh buồn. Đang có một tình trạng khá phổ biến: Nhiều người trong giới cầm bút không có thói quen đọc (xem, nghe) tác phẩm của nhau. Số người này chỉ chú tâm đến việc cho tác phẩm của mình ra đời, muốn nhiều người thưởng thức (bằng việc tặng lan tràn) mà rất ngại đọc của đồng nghiệp, kể cả những tác phẩm biết rõ là có chất lượng. Thay vì họ cũng lao đi tìm kiếm những tác phẩm "hot", đang được nhiều người đổ xô tìm kiếm. Lúc này, họ như mọi công chúng bình thường mà quên hẳn mình đang là một người cầm bút, hằng ngày cũng trăn trở sáng tạo.

Một nhà văn nọ sống ở nước ngoài từ lâu đã quay lưng lại với Nhà nước, với chế độ, có một vài cuốn tiểu thuyết được nhiều người tìm đọc. Thực ra, số bạn đọc này vì sự hiếu kỳ và tò mò mà muốn biết nội dung các tác phẩm chống lại "chính thống" như thế nào hơn là giá trị thực của tác phẩm. Tác phẩm thiên về báng bổ, hằn học, cay cú, bất mãn xã hội hơn là giàu tính văn học, nhân văn. Nhưng, họ lại tìm đến nhiệt tình hơn là những tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật. Một người viết cũng có chút tên tuổi trong giới cầm bút hỏi tôi:

- Ông đọc tiểu thuyết... của... chưa?

Tôi trả lời:

- Vì nghe nhiều người, trong đó có cả nhà văn đồn đại về cuốn đó nên tôi cũng thử đọc xem sao.

- Ông thấy thế nào?

- Thú thực, tôi thấy rất bình thường. Giọng điệu bỗ bã, miêu tả tình yêu nhiều chỗ quá thô thiển, tự nhiên chủ nghĩa. Tác phẩm không nhiều chất văn học, càng kém tính nhân văn. Chẳng qua, người ta có ấn tượng là tác giả luôn gai góc, bạo mồm, một đối trọng với những giá trị chính thống mà tìm đọc thôi.

Tôi cứ nghĩ mình nói vậy thì vị nhà văn kia sẽ không còn có ý muốn đọc. Không ngờ vị này nói:

- Ông cho mình mượn ít ngày.

Khi tôi nói là đọc ở trên mạng, rất dễ dàng thì ông nói bị đau lưng, không thể ngồi lâu nên muốn nhờ tôi tìm mua hộ. Nhưng, tôi không thể đáp ứng. Đó. Ngay một nhà văn mà còn đọc sách theo sự thôi thúc của trí tò mò như vậy. Trong khi đó, tôi hỏi ông đã đọc một số sách của các tác giả trong nước mà nhiều người cho là có chất lượng thì ông nói là chưa biết.

Lâu lâu cũng xuất hiện một tập thơ, một cuốn tiểu thuyết khá. Tuy chưa phải là đỉnh nhưng đích thị là một tác phẩm được người viết dày công tìm tòi, lao động nghệ thuật nghiêm túc, rất đáng đọc. Nhưng, tôi hỏi nhiều người cầm bút thì biết họ đều chưa đọc, thậm chí chưa biết có tác phẩm đó hiện diện trong đời sống văn nghệ. Những người này hầu như chỉ biết tác phẩm của mình, say sưa nhấm nháp mình quá lâu, còn thì không để ý đến sáng tác của bất cứ ai, kể cả những tài năng lỗi lạc bậc thầy với những tác phẩm được coi là kinh điển.

2. Nhớ lại một số bậc tiền bối trong lĩnh vực văn chương. Chẳng những họ tài giỏi, uyên thâm, có "phông" văn hóa sâu, rộng mà còn nêu một tấm gương để các lớp đi sau noi theo, học tập về sự cần cù, chịu khó đọc người khác. Có thể nói họ là người tìm đến thiên kinh vạn quyển, có khối kiến thức sách vở đồ sộ. Một trong những người tiêu biểu cho điều này là nhà thơ Xuân Diệu.

Nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Xuân Diệu.

Tư cách đầu tiên của ông đương nhiên là một nhà thơ với hàng trăm bài thơ tình luôn mê đắm, hối hả, cuống quýt, cuồng nhiệt. Tư cách thứ hai là một nhà nghiên cứu, phê bình lý luận. Ở tư cách này, ông đã có sự kỳ công trong việc đọc sách. Các tác giả từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây ông đều tinh thông.

Tôi từng được nghe ông nói chuyện về các nhà thơ lãng mạn của Pháp như Sateaubrian, Verlaine, Lamartine, Rimbo, về những nhà văn hiện thực ở Pháp thế kỷ 19 là Balzak, Stangdale, Baudelaire. Rồi lại nghe ông nói về thơ Đường của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị. Nói về Thơ mới của Việt Nam giai đoạn 1930-1945, ông thuộc vanh vách nhiều câu thơ của các nhà thơ lãng mạn khác như Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... Chứng tỏ ông phải đọc rất kỹ và nhiều lần thơ của họ nên mới có thể thuộc được như vậy. Ông cũng là người rất quan tâm đến lớp làm thơ trẻ thuộc thế hệ em, con. Có gương mặt nào mới xuất hiện, đáng chú ý, ông đều biết và bỏ thời gian đọc họ.

Tôi nhớ cách đây khá lâu, khi ấy Lưu Quang Vũ chưa viết kịch, chưa nổi tiếng, Xuân Diệu đã biết cậu con trai nhà thơ Lưu Quang Thuận làm nhiều thơ. Trong một lần nghe ông nói chuyện tại một nơi, ông nói là mới đọc thơ của một anh chàng trẻ tuổi. Thơ anh ta rất khá, sau này sẽ trở thành một tên tuổi. Đúng như vậy, về sau, Lưu Quang Vũ đã nổi tiếng ở cả hai lĩnh vực thơ và kịch. Một lần khác, tôi nghe ông nói về tập thơ có tên "Sức mới" vừa xuất bản. Đó là những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Tập này in thơ của các tác giả trẻ, mới chập chững làm thơ. Về sau, nhiều người trong số đó trở thành những nhà thơ nổi tiếng.

Tôi nghĩ, một nhà thơ lớn, tên tuổi lừng lẫy trên thi đàn mà để ý đọc một tập thơ như vậy thì quả là rất đáng trân trọng. Vậy mà nhiều người chẳng có sự nghiệp gì đáng nói nhưng lại không đọc người khác, không biết đến những tài năng khác, những tác phẩm rất nổi tiếng trên văn đàn. Thảo nào mà họ lạc hậu với tình hình văn chương chung nên đã như "ếch ngồi đáy giếng".

Tô Hoài cũng là nhà văn chịu khó đọc của người khác. Nói chuyện với ông, bạn sẽ thấy chẳng những ông am hiểu tường tận mọi tác giả cùng thời mà còn biết rõ, nắm bắt được nhiều tác phẩm của các tác giả lớp trẻ, kế tiếp. Ông nói quan điểm của mình là đọc cái hay của người khác để học tập, không bỏ qua những cái dở để rút kinh nghiệm cho bản thân. Còn đọc đám trẻ để hấp thụ cái tươi trẻ, sức thanh xuân của họ kẻo mình sẽ bị cằn cỗi, lão hóa theo thời gian. Quả là rất chí lý. Chắc nhiều người cũng biết như vậy nhưng đã không có được động lực để vượt qua sự lười biếng của mình. Không chỉ lười biếng mà những người không chịu đọc người khác còn thể hiện sự chủ quan, coi thường những sáng tạo không phải của mình, không biết đến những giá trị của người khác tạo nên.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tu-ganh-hang-sach-cua-ba-dong-nat--i729349/