Đi qua vùng sạt lở. Bài 1: Hiểm nguy treo lơ lửng trên đầu

Ám ảnh chúng tôi trong suốt cuộc hành trình đi qua các điểm sạt lở đất trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc huyện Đakrông và Hướng Hóa là một màu đất đỏ ối đến nhức mắt. Nhà cửa người dân, công trình bị đất đá lấp sâu dưới lòng đất. Các điểm sạt lở trên đường thường xuyên xuất hiện như hiệu ứng dây chuyền, chưa khắc phục xong điểm này lại xuất hiện sạt lở ở điểm khác khiến đường đến các xã miền núi của tỉnh gặp vô vàn trắc trở. Đoàn công tác chúng tôi đã băng qua vùng sạt lở đất đến với người dân bị cô lập khi hiểm nguy luôn treo lơ lững trên đầu.

Rừng núi tan hoang, nhà cửa bị vùi lấp

Suốt hành trình, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt âu lo, đau xót của người dân trong vùng sạt lở. Vấn vương một câu hỏi thường trực là cuộc sống nay mai của người dân sẽ ra sao khi tài sản hầu như mất trắng. Nhà anh Hồ Văn Hang, thôn Pa Tầng, xã Đakrông, huyện Đakrông sau một đêm đã biến mất trong lòng đất. Anh Hang là trẻ mồ côi cha mẹ được các tổ chức xã hội xây dựng nhà tình thương. Đêm 8/10/2020, phát hiện ngọn núi sau nhà có hiện tượng nứt vỡ, cây cối ngả nghiêng, Hang đưa vợ con đến trú tại nhà hàng xóm. Đến 2 giờ sáng hôm sau thì nghe một tiếng nổ vang và toàn bộ ngôi nhà của anh bị đất đá vùi lấp. Nhặt nhạnh những gì sót lại của căn nhà, Hang che tạm một căn lều ở bìa rừng để vợ con trú tạm qua ngày. Cách nhà anh Hang khoảng 1 km, gia đình ông Hồ Dỏ, (78 tuổi) thoát chết trong gang tấc. Đêm 13/10/2020, trong mưa gió, ông Hồ Dỏ nghe tiếng động lạ từ ngọn núi sau nhà. Ông thức dậy đi một vòng kiểm tra thấy cây cối bật gốc kèm theo đá trượt từ đỉnh núi xuống mỗi lúc càng nhiều. Biết chuyện chẳng lành, ông Dỏ thức cả 9 người trong gia đình nhanh chóng rời đến một nơi khác. Chưa kịp quay lại lấy lương thực và đồ dùng sinh hoạt thì nghe một tiếng nổ lớn, ngôi nhà ông Dỏ chốc lát đã biến mất trong ngỗn ngang đất đá.

 Một nhà dân tại xã Húc, Hướng Hóa bị sạt lở nghiêm trọng -Ảnh: M.T

Một nhà dân tại xã Húc, Hướng Hóa bị sạt lở nghiêm trọng -Ảnh: M.T

Từ địa bàn xã Đakrông, huyện Đakrông đến các xã Húc, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, chúng tôi đều bắt gặp những ngôi nhà bị xói lở nghiêm trọng, không thể sử dụng được. Ngôi nhà ở thôn Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông nghiêng hẳn xuống vực sông Đakrông, nếu chỉ đặt nhẹ một bàn chân sẽ đổ sập xuống.

Những ngày này, lượng người và phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Hướng Hóa đến các xã Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập rất nhiều. Các đoàn cứu trợ từ mọi miền đất nước đổ về, rồi các lực lượng vũ trang, tổ chức thiện nguyện giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Trong hơn 60 km dọc tuyến đường, chúng tôi đếm được 27 điểm sạt lở lớn nhỏ khiến người và phương tiện ách tắc kéo dài nhiều cây số. Một số điểm đường bị hỏng nặng nên mỗi ngày chỉ thông tuyến hai lần, một lần khoảng 2 giờ đồng hồ.

 Đất đá và cây cối vùi lấp tuyến đường huyết mạch lên xã Hướng Sơn, Hướng Hóa -Ảnh: M.T

Đất đá và cây cối vùi lấp tuyến đường huyết mạch lên xã Hướng Sơn, Hướng Hóa -Ảnh: M.T

Tại đây năm 2013, nhóm khảo sát tình trạng sạt lở đất tại Quảng Trị do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Văn Thành, Trường Đại học Khoa học Huế làm trưởng đoàn đã thống kê được 67 điểm sạt lở đất trên chiều dài 62,2 km. Trong đó có 15 điểm trượt lở lớn, 36 điểm sạt lở trung bình, 16 điểm sạt lở nhỏ với khối lượng đất đá sạt lở là 69.889,3 m3 , diện tích trượt là 20.140,7 m2 , mật độ trượt 1,1 điểm/km. Tương tự, sạt lở đất trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây, đoạn huyện Đakrông- Tà Rụt có chiều dài hơn 64 km từ huyện Đakrông đến giáp với huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế chạy sát các chân núi đá cao dốc, độ cao trung bình của khu vực này từ 250 - 270m, độ dốc lớn hơn 20 độ, mức độ chia cắt sâu và chia cắt ngang lớn nên có tới 95 điểm sạt lở lớn nhỏ, mật độ sạt lớn 2,5 điểm/km.

Sau thiên tai, cả một vùng núi rộng lớn ngả nghiêng, toang hoác như vừa hứng chịu những trận bom rải thảm.

Cảnh báo vùng sạt lở

Trung tá Cao Sơn Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Hướng Hóa vẫn chưa hồi sức sau đợt tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa và cuộc hành quân đưa thi thể đồng đội từ xã Hướng Việt về đơn vị làm thủ tục mai táng. Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, các anh hành quân băng đèo vượt lũ suốt mấy ngày đêm với chặng đường gần 60 km đến xã Hướng Việt và 30 km đến thôn Tà Rùng, xã Húc. Anh Hải cho biết, khi hành quân vào tìm kiếm nạn nhân thôn Tà Rùng, lúc xuất phát men theo dọc các triền đồi để tránh lũ quét. Thế nhưng lúc hành quân ra được người dân dẫn đường băng trên đỉnh núi mới thấy rất hiểm nguy. Trên đỉnh núi đã xuất hiện các vết nứt rộng hơn 20 cm và nước mưa chảy xối xả vào lòng núi. Cuộc hành quân mấy ngày trước như đi qua trước mặt tử thần. Tương tự, chặng đường hành quân vào xã Hướng Việt cũng vậy. Đoàn nén thở di chuyển nhẹ nhàng trên các vết nứt dài dọc theo đỉnh núi tưởng chừng như lọt cả bàn chân xuống lòng núi.

Qua thông tin của người dân về việc xuất hiện các vết nứt trên đỉnh núi Ta Bang, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, ngày 13/11/2020, trong mưa gió mịt mù, chúng tôi quyết định tiếp cận khu vực này. Cách hiện trường khoảng 1 km thì các dòng nước trên núi tràn xuống yếu một cách đáng ngờ. Anh Hồ Len, người dẫn đường đưa tay vốc nước đưa lên mũi ngửi hồi lâu rồi cuống quýt giục chúng tôi phải quay gấp xuống núi. Người dân cho biết, 1 giờ sáng hôm sau, một góc núi bị sạt xuống lấp mất đường lên núi, nơi chúng tôi đi qua. Anh Len giải thích, khi thấy hiện tượng lượng nước trên núi chảy xuống ít hơn, tươi màu hơn, ngửi nghe mùi đất mới nồng cay thì biết các vết nứt trên đỉnh núi đã giãn rộng thêm do nước đổ vào lòng núi, xảy ra sạt lở chỉ tính bằng phút, bằng giờ. Nhờ trực giác và kinh nghiệm, anh Len đã cứu mạng chúng tôi trong gang tấc. Trao đổi với ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa về hiện tượng xảy ra trên núi Ta Bang, xã Hướng Sơn, chúng tôi được biết, huyện đã lập đoàn kiểm tra, xác minh các khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn. Đoàn phát hiện nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao như các vết nứt có chiều dài 150 - 200m, rộng khoảng 40 - 60cm, nguy cơ sạt lở rất lớn.

Khảo sát mới nhất của Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên, Khoa Địa lý- Địa chất, Trường Đại học Khoa học Huế cũng cho thấy, tỉnh Quảng Trị có 177 điểm trượt lở và nguy cơ trượt lở, trong đó trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 81 điểm. Tuy nhiên nguy cơ xảy ra sạt lở cấp cao vẫn nằm ở địa bàn các xã Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Húc.

Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND huyện Hướng Hóa, tình trạng mưa lũ lớn, kéo dài trong thời gian vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản cho địa phương. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 37 người chết do thiên tai. Trong đó, tình trạng sạt lở đất đã khiến 32 cán bộ, chiến sĩ và người dân tử vong. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người do tình trạng sạt lở đất có thể xảy ra trong thời gian tới, UBND huyện Hướng Hóa đã rà soát, thống kê các địa bàn có nguy cơ sạt lở cao, cần sớm tiến hành di dân. Theo đó, toàn huyện có 5 xã có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao gồm: Hướng Sơn, Húc, Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Việt. Tổng số hộ dân cần di dời, tái định cư là 220 hộ, trong đó xã Hướng Sơn có 45 hộ với 171 nhân khẩu; xã Húc 85 hộ với 385 nhân khẩu; Hướng Phùng 51 hộ với 202 nhân khẩu; Hướng Lập 19 hộ với 97 nhân khẩu và Hướng Việt 20 hộ với 105 nhân khẩu. Riêng ở xã Hướng Sơn, khu vực núi Ta Bang có nguy cơ lớn gây sạt lở núi ảnh hưởng trực tiếp đến 24 hộ dân với 81 nhân khẩu, về lâu dài còn ảnh hưởng thêm 21 hộ với 90 nhân khẩu sinh sống ở vùng hạ lưu suối Ta Bang.

(Còn nữa)

Minh Tuấn

Bài 2: Bám đất để bảo vệ biên cương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=153456