Đi B - thời hoa lửa còn mãi

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cả nước dồn sức cho miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn đoàn cán bộ từ hậu phương miền Bắc đã vượt đèo cao, suối sâu, băng qua dãy Trường Sơn ngút ngàn để đến với miền Nam.

Khái niệm "Đi B" bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 1959, đồng bào miền Bắc “chia lửa” cùng đồng bào và quân dân miền Nam để chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc…

Trước khi lên đường vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ để đảm bảo bí mật. Người đi B chỉ được mang theo những đồ dùng cá nhân cần thiết do Ủy ban Thống nhất cấp, nhiều người được đổi tên và mang một mật danh mới, dấu vết người đi B được cất, gửi lại miền Bắc và lên đường một cách bí mật.... Hiện nay, toàn bộ tài liệu của các cán bộ đi B do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý, đó là những bộ hồ sơ về ký ức cuộc đời của những người con quả cảm sẵn sàng ra trận để làm nhiệm vụ đặc biệt.

Chạm tay vào ký ức

Chiến tranh đã qua đi, có những người đã nằm lại chiến trường, không ít người chưa kịp tìm lại được phần ký ức của mình. Nhưng cũng nhiều người đã may mắn được chạm tay vào ký ức của chính mình, gặp lại chính mình qua những trang cuộc đời mà không khỏi bàng hoàng, xúc động.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2023), Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã trao kỷ vật gốc cho 15 cán bộ đi B và thân nhân.

Năm nay đã ở vào tuổi “bát thập cổ lai hy”, nhà giáo, cán bộ đi B Hà Ngọc Đào (bí danh Kim Sơn), sinh ngày 15-5-1941 trong một gia đình cách mạng, ở xã Ân Tín, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định được nhận lại những tài liệu đi B của mình mà trong lòng vô cùng nghẹn ngào.

“Nhận được hồ sơ đi B, tôi rất xúc động, ôm vào người những kỷ vật và nước mắt cứ thể chảy ra. Tôi rất bất ngờ bởi những hiện vật của mình bao năm qua vẫn được giữ gìn, bảo quản cẩn thận, đó là những tài sản vô giá của tôi và gia đình”, ông Hà Ngọc Đào chia sẻ.

Ông Hà Ngọc Đào nhận lại lý lịch của mình. Ảnh nhân vật cung cấp

Xem hồ sơ của ông, về những gì ông bộc bạch và ghi rõ trong hồ sơ, với dòng chữ trong bản khai lý lịch ngày 24-6-1965, nguyện vọng của ông đó là “được về Nam chiến đấu”. Chỉ vỏn vẹn 5 từ, nhưng đó chính là mốc đánh dấu cho một hành trình mới, một trang mới trong cuộc đời, là minh chứng về ý chí của người thanh niên 24 tuổi hừng hực tinh thần và khí thế của tuổi trẻ, của lòng yêu nước, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm tiến về phía trước…

Trong hành trang đi B của người thanh niên Hà Ngọc Đào khi đó có bóng hình của người cha luôn dõi theo và ủng hộ quyết định đi vào chiến trường, cho dù biết trước con trai sẽ gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ.

Trong đơn gửi các tổ chức để bày tỏ nguyện vọng cho con đi B, ông Hà Thảng-cha của ông Hà Ngọc Đào đã viết: “Vừa qua, con tôi cho biết là nó sắp được điều động về Nam công tác. Tôi rất phấn khởi. Mặc dù, ở ngoài này, tôi chỉ có mỗi mình nó, nhưng tôi đã nhận rõ yêu cầu của Đảng, nên đã động viên, khuyến khích con. Nó đi là chấp hành nhiệm vụ của một người đảng viên, góp phần nhỏ bé đối với cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, đồng thời cũng làm nhiệm vụ đối với quê hương”.

Người thanh niên yêu nước Hà Ngọc Đào năm xưa đã lên đường đi B theo đúng nguyện vọng của bản thân và gia đình. Khi trở về, ông là thương binh hạng 4/4.

Có những trường hợp, cán bộ đi B không còn, nhưng thân nhân của những cán bộ ấy, khi tìm lại được ký ức của người thân, chính là giây phút thiêng liêng, không khỏi xúc động. Sau đằng đẵng những năm trời từ khi người cán bộ lên đường, tình thân được nén lại để rồi mãi mãi không còn được gặp nhau, vợ chỉ được gặp chồng, con chỉ được gặp cha trong tiềm thức và qua di ảnh.

Sự hy sinh đó thực sự lớn lao biết chừng nào. Bà Hồ Thanh Thủy, con gái cán bộ tập kết đi B Hồ Hữu Hy (Đồng Tháp) lớn lên thì ba mình đã tham gia hoạt động cách mạng, rồi tập kết ra miền Bắc. Sau đó, theo tiếng gọi của quê hương, ông Hồ Hữu Hy lại tình nguyện về Nam, gửi lại hồ sơ ở miền Bắc. Người con gái chỉ được biết về hành trình của cha đã đi vì việc lớn. Và rồi, thời gian cứ trôi đi, bà Hồ Thanh Thủy cũng đã tuổi cao, nỗi mong cha chỉ còn trong tiềm thức… Cho đến một ngày, nhờ cuộc Triển lãm hồ sơ kỷ vật đi B do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức năm 2019 tại Đồng Tháp. Với một sự tình cờ, bà Hồ Thanh Thủy đã được gặp cha mình qua di ảnh chân dung. Nước mắt người phụ nữ lần đầu tiên nhìn thấy cha dẫu chỉ là qua ảnh nhưng trong lòng vui mừng khôn xiết, cầm bức ảnh trên tay, bà Hồ Thanh Thủy nghẹn ngào xúc động bởi đã chạm được tay vào ký ức của cha.

Dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, bà Nguyễn Thị Phương Nga (Nghệ An), 75 tuổi, vô cùng xúc động khi được nhận lại những hiện vật đi B của chồng là ông Trần Văn Mậu, thương binh hạng 4/4.

Bà Nguyễn Thị Phương Nga (Nghệ An) nhận lại hồ sơ đi B của người chồng đã mất. Ảnh nhân vật cung cấp

“Tôi cảm ơn Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và các cơ quan chức năng bao năm qua đã giữ gìn, bảo quản hiện vật của chồng tôi trong những năm tháng đi B. Giờ đây, được nhận lại những tư liệu, hình ảnh của chồng mình năm xưa, trong lòng tôi vô cùng xúc động. Đây là những tài liệu vô cùng ý nghĩa đối với tôi và gia đình. Năm 2011, chồng tôi đã mất do vết thương từ thời chiến tranh tái phát. Dẫu giờ đây, chồng tôi không còn nữa nhưng khi nhìn những hình ảnh, hiện vật của ông, gia đình chúng tôi và các thế hệ con, cháu sau này sẽ luôn nhớ về một người chồng, cha, ông mẫu mực đã sẵn sàng đi vào nơi gian khó để đóng góp sức lực của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc”, bà Nguyễn Thị Phương Nga chia sẻ.

Kỷ vật vô giá

Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó có dữ liệu danh mục và 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B.

Hồ sơ kỷ vật của cán bộ đi B là những kỷ vật vô giá, có ý nghĩa đặc biệt với bản thân và gia đình họ. Đối với thân nhân cán bộ đi B, đó còn là niềm tự hào về thế hệ cha anh, tự hào đối với người thân của mình.

Thân nhân và những cán bộ đi B tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết: “Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cố gắng giữ gìn, bảo quản một cách tốt nhất và mong muốn được trao trả hồ sơ, kỷ vật nguyên vẹn cho các gia đình. Hy vọng trong thời gian tới, cơ quan lưu trữ tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương, đặc biệt là các gia đình cán bộ đi B để nỗ lực tìm các biện pháp thông báo và bàn giao hồ sơ đến tận tay cán bộ đi B để tri ân, đền ơn, đáp nghĩa và soi sáng những giá trị cao đẹp của lớp cán bộ cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

“Chúng tôi rất vui mừng và xúc động cùng chia sẻ niềm vui với các cán bộ đi B và gia đình của họ được nhận hồ sơ kỷ vật dịp này. Chúng tôi mong muốn sẽ có những dự án cùng sự chia sẻ của các cơ quan, địa phương và cộng đồng để chạy đua với thời gian, trao trả kỷ vật sớm nhất cho những cán bộ đi B khi họ còn sống”, chị Trần Việt Hoa nhấn mạnh.

Mỗi hồ sơ, kỷ vật là một câu chuyện đời của một con người, mà có lẽ bản thân hồ sơ sẽ không nói hết, kể hết, và cũng sẽ không được thấu hết khi không gặp gỡ được người cán bộ ấy. Vì vậy, lưu giữ hồ sơ đã là một phần hết sức quan trọng nhưng hồ sơ trở về với những cán bộ đi B khi họ còn đang sống thì sẽ ý nghĩa hơn bội phần.

KHÁNH HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/di-b-thoi-hoa-lua-con-mai-736303