ĐHQG TPHCM mời các giáo sư hàng đầu từ Đại học Harvard, Toronto, Munich… về thỉnh giảng
Hội đồng tư vấn Chương trình Giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG TPHCM vừa thông qua danh sách 16 giáo sư và chuyên gia quốc tế đầu tiên đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình để giảng dạy trực tiếp và trực tuyến cho sinh viên.
Đây là bước triển khai cụ thể sau khi ĐHQGHCM ban hành Chương trình Giáo sư thỉnh giảng nhằm kết nối tri thức toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam.

GS.TS Lương Văn Hy - Trường ĐH Toronto, Canada làm Giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG TPHCM.
Danh sách được phê duyệt gồm các giáo sư, phó giáo sư và nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học uy tín hàng đầu thế giới như Trường Y Khoa Harvard (Hoa Kỳ), Đại học Toronto (Canada), Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến (Nhật Bản)…
Đây là những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, y khoa, công nghệ sinh học, dân tộc học, ngôn ngữ học, nông nghiệp số và biến đổi khí hậu… Các chuyên gia sẽ hợp tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường thành viên, viện nghiên cứu ĐHQG-HCM thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp, hứa hẹn mang đến những chia sẻ giá trị về học thuật, đồng thời tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng cho các chương trình nghiên cứu và đào tạo.
Trong số 16 ứng viên được thông qua, Giáo sư Barbara Rose Gottlieb - Phó Giáo sư Trường Y Khoa Harvard và Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan - là một gương mặt tiêu biểu với bề dày kinh nghiệm hợp tác y khoa trong khu vực.
Giáo sư Barbara từng hợp tác với các đồng nghiệp thông qua dự án Health Advancement in Vietnam (HAIVN) từ năm 2017. Ban đầu bà tham gia vào việc phát triển các kinh nghiệm lâm sàng cho sinh viên y khoa, theo mô hình khóa học Practice of Medicine của Trường Y Khoa Harvard. Vai trò của bà đã mở rộng khi tham gia vào nhóm lãnh đạo của HAIVN, đóng góp vào việc phát triển giáo dục y khoa, đào tạo giảng viên và lập kế hoạch chiến lược.
Năm 2022, bà trở thành đồng giám đốc của một nhóm học tập hợp tác nhằm thúc đẩy cải cách giáo dục y khoa tại ba trường y dọc theo sông Mekong: Đại học Y Dược Cần Thơ (Việt Nam), Đại học Puthisastra (Phnom Penh, Campuchia) và Đại học Khoa học Y tế (Vientiane, Lào).”
“Tôi sẵn sàng tổ chức các khóa đào tạo hàng tháng từ xa về các chủ đề giáo dục y khoa, bao gồm các chủ đề về thiết kế chương trình giảng dạy, phát triển chuyên môn, phương pháp đánh giá, đào tạo giảng viên, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, tôi cũng sẵn sàng tổ chức các buổi đào tạo trực tiếp tại Việt Nam, bao gồm hội thảo quy mô lớn và các buổi huấn luyện cá nhân dành cho giảng viên”, bà Barbara cho biết.
GS.Barbara cũng bày tỏ mong muốn đồng hành cùng các giảng viên ĐHQG TPHCM trong các đề tài liên quan đến “sức khỏe người học, phát triển nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc các nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương.”


Danh sách 16 chuyên gia hàng đầu quốc tế hợp tác trong chương trình
Trong số 16 giáo sư và chuyên gia kể trên, có nhiều gương mặt trẻ tuổi, và TS.Phạm Hy Hiếu là một trong số đó. TS.Hiếu 33 tuổi, nhận bằng Tiến sĩ ngành Học máy và Ngôn ngữ học tính toán tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) giai đoạn 2017–2021.
Anh là sinh viên đầu tiên tại đây được Google Brain tài trợ toàn bộ học phí và hạ tầng tính toán cho quá trình nghiên cứu. Trước đó, anh tốt nghiệp loại Giỏi ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ) giai đoạn 2011–2015 và được trao Giải thưởng Ben Wegbreit dành cho luận văn danh dự xuất sắc nhất.
Trước đó, vào tháng 2 năm nay, ĐHQG TPHCM ban hành Quyết định về Chương trình Giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG TPHCM. Mục tiêu của Chương trình nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/ĐU, ĐHQG TPHCM xây dựng Chương trình Giáo sư thỉnh giảng với mục tiêu mời và bổ nhiệm được 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030.
Riêng trong hai năm 2025 và 2026, ĐHQG TPHCM mời và bổ nhiệm được 50 giáo sư thỉnh giảng. Trong đó, ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh học, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu, năng lượng mới, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…