Đề xuất ưu đãi vượt trội trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật
Người trực tiếp, thường xuyên tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật được đề xuất hỗ trợ 100% mức lương, không bao gồm phụ cấp.
Sáng qua (16-5), theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Việc này nhằm để thể chế hóa Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật (XDPL) và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho XDPL.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM). Ảnh: QH
Quyền phải đi cùng với trách nhiệm
Đáng chú ý, về tài chính, dự thảo quy định ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác XDPL không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác XDPL, dự thảo quy định người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, XDPL tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, không bao gồm phụ cấp.
Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá đây là “ưu đãi vượt trội, không có chỗ nào được nhiều hơn”, bởi cán bộ làm công tác XDPL ngoài việc được hỗ trợ 100% mức lương còn được khoán chi riêng.
Được quan tâm như vậy nên ông Hòa cho rằng những cán bộ làm công tác XDPL phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời phải có cơ chế giám sát để làm cho tốt.
“Rất mừng là Trung ương đã quyết định tăng 100% mức phụ cấp lương cho đội ngũ này. Tuy nhiên, quyền phải đi cùng với trách nhiệm” - ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) bày tỏ quan điểm.
Ông Thành dẫn kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa qua cho thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng văn bản pháp luật, tạo ra những “ách tắc”, trở ngại cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi, chúng ta lại chưa có chế tài để xử lý những vấn đề này.
Vị ĐB Quốc hội đoàn Thái Nguyên đề nghị dự thảo phải thiết kế một điều quy định gắn với trách nhiệm của những người quyết định hoặc tham gia trực tiếp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trách nhiệm này theo ông, gồm cả trách nhiệm hành chính, kể cả trách nhiệm hình sự.
“Nếu có những biểu hiện tham nhũng chính sách thì rõ ràng phải xử lý hình sự” - ông Thành nói.
Ông Thành cho rằng một khi đã “quản lý kết quả đầu ra” thì những vấn đề “đầu vào” sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Khi đó, người có trách nhiệm sẽ phải lựa chọn cán bộ đủ năng lực để làm công tác XDPL, tránh bị can thiệp về những vấn đề cá nhân. Đồng thời cũng cân nhắc kỹ khi đưa ra quan điểm hay quyết định về một vấn đề chính sách.
Quá trình tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội, cũng như phản biện xã hội sẽ được chú ý và lắng nghe hơn.
Mục tiêu cuối cùng là có được văn bản quy phạm pháp luật khoa học, sát thực tiễn, đi vào thực tế cuộc sống và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Đại biểu rất mừng là Trung ương đã quyết định tăng 100% mức phụ cấp lương cho đội ngũ làm chính sách nhưng cho rằng quyền phải đi cùng với trách nhiệm, gồm cả trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.
Khoán chi 20 tỉ đồng cho xây dựng một bộ luật mới
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết dành một điều độc lập quy định về khoán chi trong công tác XDPL.
Theo phụ lục kèm theo dự thảo nghị quyết, mức khoán chi cho việc xây dựng một bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành là 20 tỉ đồng; luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 18 tỉ đồng; bộ luật sửa đổi, bổ sung là 10 tỉ đồng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp có mức khoán chi là 9 tỉ đồng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành là 4,5 tỉ đồng; nghị quyết thí điểm của Quốc hội là 7 tỉ đồng; nghị quyết của Quốc hội là 4,5 tỉ đồng; pháp lệnh mới; pháp lệnh thay thế pháp lệnh hiện hành là 7 tỉ đồng…
Về tỉ lệ khoán chi, khâu xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình chiếm 70%; còn 30% còn lại dành cho khâu thẩm tra, thông qua…
Đồng tình với chủ trương khoán chi, tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị “phải cân nhắc thật kỹ”. “Trước đây, số tiền này phải làm hai hoặc ba kỳ nhưng bây giờ chúng ta xây dựng luật, pháp lệnh chủ yếu thực hiện quy trình thông qua tại một kỳ họp mà khoản chi 20 tỉ đồng cho xây dựng một bộ luật mới, tôi nghĩ hơi bị cao” - ông Hòa nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông Hòa cũng băn khoăn về số tiền khoán chi cho việc xây dựng một nghị định của Chính phủ… “Không phải tôi tiếc tiền cho ngân sách nhà nước, mà làm sao chi cho đúng, cho trúng đối tượng để tránh bị so bì với những đối tượng khác” - vẫn lời ông Hòa.
ĐB Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) cho rằng phân bổ tỉ lệ khoán chi giữa các công đoạn trong quá trình XDPL chưa hợp lý. Ông phân tích kinh phí được phân bổ cho giai đoạn xây dựng soạn thảo, thẩm định, trình dự án chiếm phần lớn - khoảng 70%, trong khi giai đoạn thẩm tra vốn đóng vai trò kiểm soát chất lượng cuối cùng trước khi trình Quốc hội chỉ được phân bổ khoảng 30%.
“Cách phân bổ này phản ánh chưa đúng khối lượng yêu cầu chuyên môn của công tác thẩm tra, nhất là khi nhiều dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ quan thẩm tra phải tổ chức thêm các đợt khảo sát, hội thảo, tham vấn nếu không được đảm bảo nguồn lực tương xứng, chất lượng của hoạt động thẩm tra sẽ bị ảnh hưởng, làm suy giảm vai trò trong kiểm soát quyền lực lập pháp” - ông Minh nói.
Từ phân tích trên, ông đề xuất điều chỉnh cơ chế phân bổ tỉ lệ khoán chi theo hướng linh hoạt gắn với nhiệm vụ đặc thù và mức độ phức tạp của từng dự án luật, để đảm bảo hiệu quả, công bằng, bền vững trong việc sử dụng ngân sách cho công tác XDPL.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết cuối giờ chiều và tối 16-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết nói trên.
Sáng 17-5, Thường vụ Quốc hội sẽ thống nhất với Chính phủ và Chính phủ sẽ trực tiếp trình Quốc hội biểu quyết thông qua hai dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật cùng Nghị quyết về kinh tế tư nhân.
Sẽ rà soát để điều chỉnh mức khoán chi
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay có lẽ đây là lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng quy định khá cụ thể về mức hỗ trợ cho người làm công tác XDPL, cũng như một số cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt trong XDPL và tổ chức thi hành pháp luật.
“Chúng tôi suy nghĩ rằng đây không phải là những con số cụ thể về kinh phí ngân sách, chế độ mà là sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt với tư duy đổi mới, với cách tiếp cận đột phá, tầm nhìn chiến lược về tầm quan trọng của công tác hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật” - bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
Đồng tình với ý kiến ĐB cho rằng cần gắn quyền đi đôi với trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng để không được lạm dụng, trục lợi chính sách, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết sẽ tiếp thu khi chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Phản hồi trước ý kiến ĐB về mức khoán chi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết sẽ tiếp thu, rà soát để giảm mức khoán chi sao cho phù hợp, “tránh việc cao so với mặt bằng chung và các công việc khác của các công tác Nhà nước”.•
Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật không được có “yếu tố nước ngoài”
Thể hiện sự nhất trí với nghị quyết thực hiện cơ chế đặc thù trong việc xây dựng chính sách pháp luật, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) có một số điểm băn khoăn.
Cụ thể, Điều 6 dự thảo quy định Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định quỹ được Nhà nước “bảo đảm vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước” và được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước.
Ủng hộ việc “phải có quỹ”, vị ĐB Quốc hội đoàn TP.HCM đề nghị “gia cố” lại điều luật này, theo đó, cần khẳng định rõ quỹ này “không có yếu tố nước ngoài” và được hình thành từ những tổ chức, cá nhân không liên quan đến các dự án luật.
“Nếu có liên quan, tôi nghĩ rằng rất khó kiểm soát những vấn đề để nhận diện có trục lợi hay không, thậm chí sâu hơn là có thể có “hướng lái” hay không” - ông Đức nêu quan điểm.